Y học và đời sống

Tình cờ khám sức khỏe phát hiện u trung thất chèn ép tủy sống

  • Tác giả : Thúy Nga
U trung thất là khối u nằm ở trong lồng ngực, phát triển lặng lẽ và ít khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện, phẫu thuật loại bỏ kịp thời có thể chèn ép vào tim, phổi, mạch máu lớn….

Cắt khối u trung thất sau phức tạp và hiếm gặp cho người bệnh

Ngày 17/4,Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh và Khoa phẫu thuật can thiệp tim mạch - lồng ngực đã phối hợp tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u có nguồn gốc bao sợi thần kinh (Schwannoma) hiếm gặp cho người bệnh.

Khối u nằm ngang đốt sống ngực số 7 (D7), 1 phần khối u chèn ép vào tuỷ sống, 1 phần khối u nằm trong trung thất sau của người bệnh.

Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh đã phải cắt một phần cung sau đốt sống D7 để tiếp cận khối u, cắt bỏ phần khối u chèn ép tại tuỷ sống. Sau đó các bác sĩ Khoa phẫu thuật can thiệp tim mạch - lồng ngực tiến hành nội soi khoang màng phổi trái cắt phần khối u nằm trong trung thất sau chèn ép vào màng phổi và động mạch chủ ngực xuống.

Khối u trung thất lớn chèn ép tủy trên phim chụp - Ảnh BVCC

Khối u trung thất lớn chèn ép tủy trên phim chụp - Ảnh BVCC

Quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Sau gần 3 giờ, khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn, lượng máu mất rất ít, khối u được gửi làm xét nghiệm mô bệnh học.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông bí cho biết, do khối u nằm vị trí sâu, khó tiếp cận, yêu cầu các phẫu thuật viên cần rất khéo léo để bóc tách được khối u mà không làm tổn thương các tổ chức xung quanh (tuỷ sống, dây thần kinh, động mạch chủ ngực, phổi..).

Việc làm chủ các kỹ thuật về thần kinh cột sống, lồng ngực đã giúp các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật thuận lợi.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

U trung thất là khối u nằm ở trong lồng ngực, có thể lành tính hoặc ác tính, thường phát triển lặng lẽ và ít khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện, phẫu thuật loại bỏ kịp thời có thể chèn ép vào tim, phổi, mạch máu lớn…, cản trở quá trình tuần hoàn, hô hấp.

Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, suy yếu cơ thể… Nếu khối u ác tính có thể di căn đến màng tim, phổi đe dọa tính mạng của người bệnh.

Như trường hợp của người bệnh trên nếu khối u phát triển lớn hơn sẽ gây ra các biến chứng chèn ép lên tủy sống có thể liệt hoặc chèn ép vào phổi, gây tràn dịch màng phổi…

Được biết người bệnh trước đó không có biểu hiện bất thường và tình cờ phát hiện khối u khi đi khám sức khỏe.

Do vậy người dân cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/1 lần để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe. Việc phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị đơn giản hơn và tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

U trung thất ở nhiều vị trí khác nhau

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, trung thất là một khoang hẹp ở trong lồng ngực nằm giữa hai vùng phổi, màng phổi. Trung thất được giới hạn ở phía trước là mặt sau xương ức và các sụn sườn, phía sau là mặt trước cột sống và hai bên là mặt trung thất của phổi và màng phổi, phía dưới là cơ hoành, phía trên là nền cổ.

Trung thất được phân chia làm 3 phần: Trung thất trước, trung thất giữa và trung thất sau. Các cơ quan của trung thất có các biểu hiện bệnh tật riêng. Các biến đổi về khối lượng của mỗi cơ quan sẽ lấn sang vị trí của các cơ quan lân cận, chèn ép lẫn nhau và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các dấu hiệu mượn của cơ quan lân cận.

Chẳng hạn, trung thất trước ở tầng trên là u tuyến giáp, u tuyến ức; tầng giữa là u tuyến ức, u phổi; tầng dưới là u nang màng phổi, màng tim, u mỡ. Trung thất giữa gồm: Bệnh hạch lympho trung thất, u nang từ phế quản. Trung thất sau gồm: U thần kinh, thoát vị màng não, tủy, bệnh hạch lympho, áp xe do lao; u nang thực quản thoát vị cơ hoành sau.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy u trung thất cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy u trung thất cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Theo GS.TS Đức, u trung thất bắt nguồn từ mô của nhiều lá thai, nằm lạc chỗ phát triển chậm. Khi khối u to sẽ gây hiện tượng chèn ép hoặc thoái hóa ác tính.

Khi u chèn ép vào phổi hay các mạch máu lớn ở đáy tim: Làm bệnh nhân đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu do dính vào các phế quản ngoại biên hoặc khạc ra một chất lỏng nhớt màu vàng lổn nhổn những hạt vôi hóa và những mảnh của phần khối u bị hoại tử, làm thành ngực gồ lên rõ rệt. Bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút, ho khan, sốt từng đợt.

Khối u chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Xuất hiện mạng lưới tĩnh mạch bàng hệ, làm xanh tím môi, gò má, tai của bệnh nhân. Khi bệnh nhân có triệu chứng nuốt nghẹn, sặc nước, nổi hạch ở hố thượng đòn là khối u đã bị thoái hóa ác tính.

U gây tràn dịch màng phổi: Làm xẹp nhu mô phổi dẫn đến sự thành lập một ổ cặn màng phổi.

U chèn ép dây thần kinh giao cảm cổ: Bệnh nhân có triệu chứng bị sa mi mắt, lõm mắt, co đồng tử, rối loạn vận mạch da, phù và đỏ nửa mặt, tiết nhiều mồ hôi.

U chèn ép các dây thần kinh khác (dây hoành): Gây liệt vòm hoành, dây phế vị gây rối loạn hô hấp, chảy nước dãi, tăng huyết áp, chèn ép dây thần kinh quặt ngược trái gây khàn tiếng, liệt dây thanh âm...

Điều trị cắt bỏ u trung thất bằng phẫu thuật khá phức tạp vì u dính và chèn ép dài ngày vào các thành phần quan trọng ở trung thất, nên khi mổ chảy máu nhiều.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP