Khám phá

Tìm ra cách kéo dài thời gian cứu sống bệnh nhân tử vong

Không chỉ là khoa học viễn tưởng nữa, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng phương pháp “đóng băng sự sống” sẽ là đột phá cho kỷ nguyên đưa người vào vũ trụ.

Ý tưởng hiện thực hóa khoa học viễn tưởng này xuất phát từ phương pháp hạ thân nhiệt trong y học giúp ngăn chặn các tác nhân bất lợi dẫn đến tử vong, đặc biệt có tác dụng với những bệnh nhân bị chấn thương nặng.

Liệu pháp làm cho bệnh nhân hôn mê bằng cách hạ thấp nhiệt độ cơ thể có thể giúp bệnh nhân bị thương sống sót trong khi đội ngũ y tế điều trị cho họ.Thực chất, hạ thân nhiệt giúp làm chậm quá trình trao đổi chất, cho phép bác sĩ có thêm thời gian cứu sống người bệnh.

Năm 2008, Trung Quốc từng thành công “đóng băng sự sống” một bệnh nhân phình động mạch trong 14 ngày để ngăn ngừa tổn thương não, kéo thêm thời gian cho việc chữa trị. Người bệnh này đã hồi phục hoàn toàn.

Tìm ra cách kéo dài thời gian cứu sống bệnh nhân tử vong ảnh 1

Các phi hành gia sẽ “ngủ đông” khi di chuyển vào vũ trụ. Ảnh SpaceWorks.

Chính từ đó, Công ty SpaceWorks (trụ sở tại Atlanta) đã nhận được nguồn tài trợ khủng từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho nghiên cứu “ngủ đông” các phi hành gia trên đường đến sao Hỏa làm nhiệm vụ.

Họ tin tưởng đây là cách tốt nhất giải quyết toàn bộ các vấn đề về thực phẩm, nước uống, quần áo hay xử lý chất thải… trong thời gian di chuyển vào vũ trụ. Máy tập thể dục sẽ được thay thế bằng các điện cực kích thích cơ bắp khi họ đang ngủ, đảm bảo các cơ bắp không bị yếu sau một thời gian dài ngưng vận động.

Thêm vào đó, đối tác y khoa của SpaceWorks là Bệnh viện thực hành Mayo và ĐH Johns Hopkins cũng nhận định hai tuần là khoảng thời gian lý tưởng để “đóng băng sự sống”. Mỗi một độ thân nhiệt được hạ xuống so với nhiệt độ cơ thể bình thường sẽ giúp giảm 7% trao đổi chất.

Theo Daily Mail, để đưa các phi hành gia vào trạng thái ngủ đông, các nhà khoa học sẽ sử dụng hệ thống gọi là RhinoChill cung cấp chất lỏng làm mát qua đường mũi và họ mất khoảng sáu giờ để giảm dần nhiệt độ cơ thể xuống mức ngủ đông là 33,8 độ C.

Trong thời gian đó, căn phòng ngủ đông của các phi hành gia cũng sẽ được thiết kế xoay để tạo lực ly tâm mô phỏng trọng lực góp phần giảm thiểu sự giảm mật độ xương xảy ra một cách tự nhiên trong môi trường không trọng lực.

Trước khi có thể đưa vào thực tiễn, đội ngũ các nhà khoa học vũ trụ và y tế phải tiến hành thử nghiệm trên động vật, sau đó thử nghiệm trên người, có thể là tại Trạm không gian quốc tế (ISS). “Nghiên cứu có thể mất một thời gian dài để đạt được hiệu quả như chúng tôi mong muốn” – kỹ sư Bradford của SpaceWorks chia sẻ, nhưng ông tự tin rằng trong chưa đầy 30 năm nữa dự án này sẽ trở thành hiện thực.

Theo Thanh Nhàn (VietQ)

BẢN DESKTOP