KINH TẾ

Tìm lối thoát cho gạo xuất khẩu tăng giá trị

  • Tác giả : Hoài Nam - Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao, lên tới 13,7% so với 6,1% của Thái Lan và 6% của Ấn Độ. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%, phân phối lợi nhuận chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập.

Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với sản lượng dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD trong năm ngoái. Hiện Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, có mặt tại khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bấp bênh giá gạo

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng liên tục cả về lượng và giá trị giai đoạn 2016-2018, nhưng 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu (XK) gạo đạt 5,4 triệu tấn (tăng 0,1% so với cùng kỳ) nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỷ USD (giảm 15%). Giá gạo XK bình quân 8 tháng đầu năm 2019 đạt 433USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do khó khăn về thị trường, giá lại giảm. Cụ thể, nhu cầu gạo từ Trung Quốc chưa có dấu hiệu tăng trở lại.Lượng dạo tồn kho của Phillipines đang ở mức tương đối cao.

Lưu ý rằng, Trung Quốc trong nhiều năm trước là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng năm nay XK gạo sang thị trường này giảm đến 65%. Nguyên nhân là do trước nay gạo sang Trung Quốc chỉ XK tiểu ngạch, nhưng từ năm 2018 đến nay, nước này đã siết chặt việc XK qua biên mậu, cũng như tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu năm nay khoảng 5 triệu tấn gạo, nhưng thực tế chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn.

Tại Phillipines, nông dân trồng lúa ở Phillipines đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo nên thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ chững lại. Hiện nay, Philippines đứng thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, đạt 1,46 triệu tấn, trị giá 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Ngoài ra, bên cạnh giảm số lượng, các nước nhập khẩu cũng đưa ra nhiều rào cản, ngân hàng hạn chế cho vay. Trong khi đó, việc mở rộng thị trường khác EU, châu Mỹ vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là việc đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của EU không dễ dàng. Thị trường EU có nhu cầu về gạo cao cấp, yêu cầu rất khắt khe từ chất lượng sản phẩm tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, quy trình sản xuất...

Hiện nay, với cùng giống gạo, thì giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ luôn cao hơn so với Việt Nam. Nguyên nhân là do các nước này có quy trình thu hoạch, sấy, bảo quản, chế biến... tốt.

Chờ đợi công nghệ

Hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất và giảm chất lượng trong bảo quản. Hệ thống sấy lúa còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, công nghệ sấy bất cập đã ảnh hưởng xấu tới chất lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống kho chứa mới chủ yếu bảo quản gạo không đủ diện tích kho để bảo quản lúa.

Do đó, sau khi thu mua lúa, các cơ sở đều phải xay xát ngay và tồn trữ dưới dạng gạo lứt, chất lượng gạo bị giảm trong quá trình bảo quản, quy trình chế biến sau thu hoạch chưa tối ưu làm hiệu quả chế biến và giá trị gia tăng thấp, thất thoát cao, chất lượng kém và khó tận dụng phụ phẩm trong chế biến lúa gạo để tạo ra giá trị gia tăng.

Để nâng cao chất lượng gạo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa quy trình công nghệ và thiết bị để xay xát lúa gạo. Bên cạnh đó, ứng dụng tự động hóa để kiểm soát hoàn toàn và chính xác quá trình xay xát nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo. Công nghệ xay xát phải cải tiến, chỉ xay xát một giai đoạn duy nhất, ứng dụng công nghệ xát lứt 2 lượt, xát trắng 2 - 3 lượt và đánh bóng 2 - 3 lượt để giảm cường độ chà xát và tích tụ nhiệt lượng đối với hạt gạo, nhằm giảm tỷ lệ tấm, tăng tỷ lệ gạo nguyên sau xay xát.

Ứng dụng các máy làm sạch, phân loại và tách màu tiên tiến để cải thiện hơn nữa chất lượng của gạo sau khi xay xát đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao; đặc biệt là đối với các loại gạo thơm, gạo Nhật, gạo đặc sản của các thị trường khó tính. Thực tế, trong thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản phẩm gạo của mình, tạo ra những sản phẩm đột phá có chất lượng cao. Từ mẫu mã, hình thức, đóng gói... cũng như duy trì chất lượng gạo tốt, không bị biến chất trong quá trình bảo quản, lưu thông.

Đồng thời, dưới sự giúp đỡ của doanh nghiệp, người dân cũng đang dần chọn những sản phẩm có giá trị cao, được nhiều thị trường chấp nhận để phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vào năm 2015, cơ cấu chủng loại XK gạo của nước ta lần lượt gồm: Gạo trắng cấp thấp và trung bình (chiếm 30,8%), gạo trắng phẩm cấp cao (27,8%), gạo thơm (22,7%), gạo nếp (7,1%), sản phẩm khác (11,6%). Sang năm 2019, đã có sự thay đổi, trong đó gạo trắng phẩm cấp cao (chiếm 40%), gạo thơm, đặc sản, japonica (30%), sản phẩm khác (30%).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, khi thị trường Trung Quốc gần như "đóng băng" thì XK gạo giống OM (phẩm cấp cao) sang thị trường khác vượt trội hơn IR, đã có sự dịch chuyển cơ cấu chủng loại XK. Đáng tiếc là số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất gạo có giá trị cao chưa nhiều. Nguyên nhân do với mặt hàng gạo, doanh nghiệp phải ứng vốn cho bên mua và chịu trả chậm khi bán hàng. Ngoài ra, công tác dỡ hàng tại các cảng nước nhập khẩu cũng có nhiều rủi ro, thậm chí mất hàng.

Hơn nữa, đặc thù của ngành gạo, nông sản là mang tính mùa vụ, cao điểm thu hoạch thì lượng hàng hóa cần phải giải phóng trong thời gian ngắn tăng gấp 2 - 3 lần so với thấp vụ. Áp lực thu hoạch, sấy, vận chuyển và thu mua luôn bị quá tải từ nhiều năm.

Trong khi đó, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các hiệp định thương mại mới vừa ký kết gần đây, các doanh nghiệp tham gia trong ngành công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo quan tâm sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt. Đây là tiềm năng cũng như thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất gạo của Việt Nam.

Hoài Nam - Hồng Nhung

BẢN DESKTOP