Thời sự

Tiêu sợi huyết - Phương pháp đơn giản cứu sống người đột quỵ não cấp đến sớm

  • Tác giả : Thúy Nga
Điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với người bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp trong 4 giờ 30 phút đầu.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã xử trí cấp cứu tiêu sợi huyết thành công liên tiếp các ca bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp: người bệnh nam N.V.A. 54 tuổi (địa chỉ Yên Thanh - Uông Bí – Quảng Ninh); người bệnh nam Đ.N.T. 68 tuổi (địa chỉ Mạo Khê – Đông Triều – Quảng Ninh) và người bệnh nam V.V.K. 75 tuổi (địa chỉ Cẩm La – Quảng Yên – Quảng Ninh).

Các trường hợp trên đều nhập viện vì nói khó, liệt nửa người không thể tự đi lại và được người nhà đưa đến viện trong thời gian sớm kể từ khi khởi phát (30 phút, 2 giờ).

Sau khi thăm khám, xét thấy cả 3 người bệnh đều đủ tiêu chuẩn dùng thuốc tiêu sợi huyết và được kíp can thiệp thực hiện xử trí dùng thuốc tiêu sợi huyết. Hai người bệnh sau dùng thuốc tiêu sợi huyết đều hồi phục hoàn toàn các triệu chứng nói khó, liệt nửa người, đi lại vận động tốt.

Người bệnh N.V.A. sau điều trị đã hồi phục hoàn toàn các triệu chứng, vận động đi lại bình thườngNgười bệnh N.V.A. sau điều trị đã hồi phục hoàn toàn các triệu chứng, vận động đi lại bình thường

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với người bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp trong 4 giờ 30 phút đầu.

Tiêu sợi huyết giúp phục hồi lưu lượng máu não ở các người bệnh nhồi máu não cấp và có thể giúp cải thiện hoặc giải quyết các khiếm khuyết thần kinh. Do vậy khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ não người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Các dấu hiệu nào giúp chúng ta nhận biết đột quỵ não?

- Tê, yếu hoặc liệt hoàn toàn tay chân 1 bên cơ thể, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác nặng, mỏi…;

- Liệt 1 bên mặt, méo miệng;

- Xuất hiện những thay đổi về tri giác như lừ đừ, lơ mơ hay thậm chí hôn mê;

- Thay đổi dáng đi, mất đồng bộ và khả năng phối hợp vận động;

- Rối loạn giọng nói, nói khó hoặc nặng hơn là không thể nói chuyện được;

- Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm hoặc có thể ngất xỉu;

- Một số trường hợp có thể bị đau đầu nhẹ;

- Rối loạn trí nhớ, quên thoáng qua;

- Co giật.

"Càng sớm nhận ra dấu hiệu đột quỵ và điều trị kịp thời thì càng tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh cũng như hạn chế được các biến chứng nặng" - Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông bí nhấn mạnh

Để phòng ngừa đột quỵ cần thực hiện lối sống lành mạnh:Hạn chế bia rượu, không hút thuốc, hạn chế chất béo bão hoà, tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch…

Thúy Nga

BẢN DESKTOP