Bình luận

Tiêu cực là do mục tiêu và cách làm

Tiêu cực là do mục tiêu và cách làm, đ

PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng.

Gộp 2 trong 1 nên lùm xùm là tất yếu

Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ông có suy nghĩ gì về những tiêu cực trong kỳ thi vừa rồi?

Tiêu cực trong thi cử thì thời nào cũng có. Trước đây cũng có, nhưng chỉ là hãn hữu, một vài trường hợp thôi, không thành tổ chức, thành cả một đường dây như thế.

Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Theo tôi nghĩ, việc gộp 2 kỳ thi vào làm một chính là nguyên nhân đẻ ra những tiêu cực lớn như thế. Chứ nếu chỉ là thi tốt nghiệp không thì chả cần phải chạy chọt thế làm gì. Nhưng đằng này đâu phải chỉ để đỗ tốt nghiệp mà mục đích là vào được trường top trên. Đó là nhu cầu cực kỳ lớn về tiêu cực.

Còn nguyên nhân sâu xa thì ngay từ quản lý, cũng có vấn đề từ khi gộp 2 trong 1 như thế, tức là gộp bộ Giáo dục với Đại học.

Trước đây để hai bộ Giáo dục và bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp?

Để hai bộ như thế là chuẩn xác. Giáo dục là bảo đảm cho mọi người đạt được trình độ chung. Còn đại học là đào tạo nghề. Giáo dục không cần thăm dò thị trường. Đại học thì phải cải tiến từng năm một để theo được trình độ phát triển. Đó là sự khác nhau cơ bản.

Hai hệ thống mà mục tiêu khác nhau như thế nếu nhập vào làm một rất khó chỉ đạo. Xuất phát từ đó nên đẻ ra nhiều cái chưa giải quyết được. Trên cơ sở tổ chức như thế, lại thêm kỳ thi  2 trong 1 nữa nên lùm xùm là tất yếu.

Nhưng qua mấy năm thực hiện, kỳ thi này được đánh giá là gọn và tiết kiệm cho xã hội rất nhiều?

Thực ra là ta muốn làm cho gọn. Nhưng việc này không thể tính đến tiêu chí tiết kiệm được. Tiết kiệm mà không mang lại hiệu quả, mà phá vỡ thì thành ra không tiết kiệm. Cứ nhằm vào tiết kiệm, vào một vài điều thuận lợi là không khoa học. Từ đó đẻ ra nhiều điều bất cập.

Tiết kiệm phải làm cách khác chứ không phải cho hết vào một rọ như thế. Tự dưng học chả ra gì, nghiễm nhiên ngồi học ở Bách khoa, Y Hà Nội … thì thật là đau lòng cho xã hội. Đó là tệ nạn của nhiều ngành chứ không phải riêng giáo dục đâu.

Trước đây, thi vào trường ĐHNN Hà Nội là phải qua sơ tuyển. Mà làm cũng đơn giản, thí sinh phải đọc một đoạn văn (bằng tiếng Việt thôi) để xem giọng cao thấp ra sao, có ngọng không, kiểm tra về trí nhớ, phản xạ nhanh, một số tiêu chí về văn hóa. Làm được như thế thì sinh viên ra trường rất giỏi. Hay như ngành sư phạm còn sơ tuyển ngoại hình.

Tuyển sinh nên giao cho các trường đại học

Vấn đề là những học sinh được nâng điểm như thế, vào trường đại học sẽ học thế nào?

Chất lượng đào tạo là trách nhiệm của trường. Trường đại học phải chịu trách nhiệm với các kỹ sư, bác sĩ… là những sản phẩm mà họ đào tạo ra.

Thi như thế này, điểm cao là vào, nhưng vào rồi mà không học được thì phải nghỉ chứ cứ lẽo đẽo mấy năm rồi ra làm bác sĩ để chết người à. Nhưng ở ta hiện nay, nhiều trường vẫn trong tình trạng vào là ra, ra mà chạy được thì vẫn có việc làm nên người ta cứ lao vào như thiêu thân.

Phải làm sao để bằng cấp của anh có uy tín, đưa ra là người ta chấp nhận ngay. Còn nếu bằng không có chất lượng, không xin được việc thì ai dám học. Muốn thế phải để các trường tự phấn đấu, tự quyết định.

Như bây giờ, 13 điểm có khi vẫn đỗ đại học?

Đấy là thương mại hóa giáo dục. Chúng ta đưa ra chỉ tiêu không thương mại hóa giáo dục nhưng lại làm những cái để cho nó thương mại.

Thứ nhất là luyện thi. Trường phổ thông dạy thế nào mà để học sinh phải luyện thi? Thứ hai là tình trạng vét thí sinh để tăng nguồn thu. Thế nên mới có tình trạng thi 3 môn dưới 15 điểm cũng vào được đại học. Như thế làm sao tiếp thu được.

Tại sao các trường không tự tuyển sinh mà lại chấp nhận kết quả của kỳ thi 2 trong 1 này?

Bộ đã giao quyền tự quyết cho các trường rồi đấy, chỉ có điều chưa giao việc cụ thể nên cứ ôm cả đầu vào. Mỗi trường phải có cách tuyển sinh của mình.

Tóm lại là việc tuyển sinh nên giao cho các trường đại học làm, anh làm không tốt thì anh mang tiếng. Chứ để thế này mang tiếng cả ngành giáo dục.

Cứ đặt ra những tiêu chí để người ta phải chạy

Ông có nói tiêu cực trong thi cử là tệ nạn của nhiều ngành?

Xảy ra tiêu cực đó là do mục tiêu không rõ ràng, đồng thời tiêu cực của các ngành khác dội vào, nhất là về tổ chức. Tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức vụ này phải có tiêu chí về bằng cấp này nọ… nên người ta phải mua. Tức là mình cứ đặt ra những cái để cho người ta giả dối, người ta chạy.

Tôi đã từng dạy những lớp tạo nguồn, có trên 90% không có nhu cầu về ngoại ngữ, nhưng vẫn phải học theo tiêu chuẩn châu Âu. Đối với những cán bộ miền núi, học ngoại ngữ khổ lắm. Họ nói học xong cũng chả để làm gì mà thực ra cũng không học được, nên mình phải nhượng bộ. Phải dạy để họ đạt được mức tối thiểu, rồi biết họ cũng quên.

Tôi tưởng là có các tiêu chí đó là đúng chứ. Ví dụ học thạc sĩ hay làm tiến sĩ thì bắt buộc phải có trình độ ngoại ngữ?

Ngoại ngữ có là bắt buộc, không ai phủ nhận. Nhưng vấn đề là ngoại ngữ đó dùng vào việc gì và yêu cầu phải có kỹ năng gì mới quan trọng. Làm tiến sĩ về chế tạo máy, thì anh chỉ cần ngoại ngữ chuyên ngành để đọc được tài liệu. Cần gì phải trình độ A, B, C, hay nghe nói đọc viết theo tiêu chuẩn châu Âu…Để làm gì, hay chỉ làm khổ người ta.

Không học được thì phải đi mua. Tất cả những tiêu cực lùm xùm trong thi cử đều do cách đặt mục tiêu và cách làm không phù hợp nên đẩy người ta đến gian dối, chứ có ai muốn gian dối đâu.

Nhân nói đến ngoại ngữ, ngay mục tiêu dạy ngoại ngữ ở phổ thông của ta cũng đặt ra quá cao?

Mục tiêu đề ra là học sinh phổ thông học xong hơn 1000 tiết phải nghe nói đọc viết, giao tiếp, đi xin việc được… Mục tiêu như thế là bị chuyên môn hóa, yêu cầu quá cao và ngoài tầm cơ bản. Bởi vì ngoại ngữ phổ thông là môn cơ bản không phải là chuyên ngành như ở đại học.

Học ngoại ngữ để cho học sinh biết phương pháp học khác với tiếng mẹ đẻ và yêu cầu chỉ giao tiếp bình thường, chứ không phải công cụ hoạt động trong nghề nghiệp.

Vì thế nên dẫn đến quá tải?

Đặt mục tiêu cao rất khổ cho học sinh, cứ phải đi học thêm. Chúng ta nhiều tham vọng nhưng không có các bước để đạt được. Ngay như việc phân luồng cũng làm chưa tốt. Chương trình phải tối thiểu hóa để một người có văn hóa phải biết.

Tại sao phải học toán cao cấp, trong khi có tới 90% những kiến thức đấy không dùng tới trong suốt cuộc đời. Ở Nga họ dạy trẻ con ổ điện là gì và phải làm thế nào để không gặp nguy hiểm…những cái rất đơn giản và thiết thực chứ không phải cao siêu gì đâu.

Việc đặt mục tiêu quá cao như thế là do đâu, thưa ông?

Để đưa ra được mục tiêu phù hợp cần phải có các nhà quản lý có trình độ sư phạm tốt, là những nhà giáo giỏi. Lấy ví dụ như dạy tiếng Nga chẳng hạn, chúng ta đã không tính toán được cách tư duy của người Việt. Học tiếng Nga, khó nhất là biến cách vì hình thái của từ mang ý nghĩa quan hệ trong cấu trúc. Vượt qua cái đó thì cực kỳ dễ. Chỉ cần nói đúng cách thôi, giới từ không quan trọng, động từ chia sai cũng không sao. Tất cả những cái đó là râu ria thừa đối với tư duy của người Việt. Nhưng chúng ta dạy thì cái gì cũng quan trọng.

Xin cảm ơn ông !

Nhật Minh thực hiện

BẢN DESKTOP