Bà Tiêu An (Thanh Hóa) rất thích ăn canh dây bát vì nghe nói đây là loại rau giống bầu bí, ăn lành giúp cơ thể thải độc, tốt cho mùa hè vì phòng tránh mụn nhọt. Vừa rồi con bà đi công tác mua được một ôm dây bát, bà nấu canh, xào cho cả nhà ăn không sao nhưng bà ăn thì bị đau bụng, đi ngoài.
Lời bàn: LY. Hoàng Xuân (Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, dây bát còn gọi mãng bát, bình bát, là loại dây leo thuộc họ bầu bí. Dây bát có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, giải độc, thường dùng chữa miệng khô khát uống nước nhiều, đại tiện táo khó, tiểu buốt, tiểu gắt, bí tiểu, người nóng nổi mụn nhọt. Ở nhiều vùng, người dân thường hái lá và đọt non làm rau ăn, nấu canh tôm, cua, tép giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Để chữa nóng bức sinh mụn nhọt người ta dùng rau bát, mồng tơi, rau dấp cá, mỗi thứ 100g, nấu canh cá rô ăn tuần vài lần. Để chữa đái tháo đường kèm tăng huyết áp lấy dây bát, cỏ mần trầu, dền gai mỗi vị 50g tươi hoặc phơi khô sắc nước uống hằng ngày. Dây bát là món ăn vị thuốc bổ mát có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi, hầu như không có tác dụng phụ nhưng vì dây bát tính hàn, không dùng cho người tỳ vị hư hàn, bị tiêu chảy, ngoại cảm phong hàn.