Y học và đời sống

Tiêu chảy do dùng nhiều kháng sinh dễ thủng ruột

Không chỉ bị tiêu chảy nặng, kéo dài, viêm đại tràng, tiêu chảy do dùng nhiều kháng sinh còn gây các biến chứng nặng: mất nước, mất thăng bằng điện giải, hạ huyết áp, hạ albumin máu, phình đại tràng nhiễm độc và thủng ruột.
tiêu chảy

Tiêu chảy do dùng nhiều kháng sinh dễ thủng ruột. Ảnh minh họa.

Bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn là một bệnh toàn cầu gây ra tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở cả trẻ em và người lớn. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới hàng năm có hàng tỷ lượt tiêu chảy trên toàn cầu và gây ra tử vong cho hàng triệu người.

Hơn nữa bệnh còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 1 tuổi. Căn nguyên tiêu chảy do vi khuẩn chưa được biết nhiều từ trước nhưng hiện nay nhiều căn nguyên mới được khám phá trong đó có tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium difficile – tiêu chảy do dùng nhiều kháng sinh đang ngày càng gia tăng.

Một phần ba các trường hợp tiêu chảy do Clostridium difficile xảy ra sau điều trị kháng sinh, có thể do dùng bất kỳ kháng sinh nào và bằng đường nào. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan trong bệnh viện. Trong trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi và hệ vi khuẩn chí trong ruột trở lại bình thường.

Bệnh viêm đại tràng có màng giả thường do Clostridium difficile gây ra và nhiều khi diễn biến nặng. Vi khuẩn Clostridium difficile có thể sinh ra hai độc tố A và B gây ra các tổn thương màng giả điển hình khi nội soi đại tràng.

Triệu chứng bệnh rất phong phí bao gồm tiêu chảy mất nước, phân có màu xanh, nhày, mùi tanh và thường xảy ra sau một đợt điều trị kháng sinh. Hiếm khi có máu trong phân. Bệnh thường gây ra tiêu chảy nặng và kéo dài hoặc tiêu chảy kèm theo các triệu chứng của viêm đại tràng như sốt, tăng bạch cầu, đau quặn hoặc đau cứng bụng và phân có bạch cầu.

Các biến chứng nặng gồm mất nước, mất thăng bằng chất điện giải, hạ huyết áp, hạ albumin máu, phình đại tràng nhiễm độc và thủng ruột. Các triệu chứng ngoài ruột hiếm gặp như viêm đa khớp. Chẩn đoán tiêu chảy do dùng quá nhiều kháng sinh dựa vào độc tố của vi khuẩn, bằng chứng nội soi các thương tổn ở đại tràng sigma.

Về điều trị, nếu viêm đại tràng không có màng giả chỉ cần ngừng thuốc kháng sinh là các triệu chứng giảm. Viêm ruột có màng giả cần xác định nguyên nhân là do Clostridium difficile hay không. Nếu đúng do vi khuẩn này cần làm kháng sinh đồ kỹ lưỡng trước khi điều trị. Kháng sinh thích hợp nhất là vancomycin để điều trị bệnh này. Những bệnh nhân không thể dùng vancomycin có thể dùng metronidazol để thay thế. Khả năng tái phát sau khi điều trị kháng sinh rất cao 50%.

GSTSKH Phùng Đắc Cam

(Viện vệ sinh dịch tễ TƯ)

BẢN DESKTOP