Hành động để chấm dứt bệnh dại
Ngày 28/9/2020, nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm (1) gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả văcxin cho người và động vật; (2) tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; và (3) đạt được mục tiêu “biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, từ đầu năm đến nay cả nước có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh, thành. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đáng lo ngại vì đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70 - 110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có văcxin phòng bệnh hiệu quả, nhưng ước tính hằng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.
Chúng ta không thể chủ quan, mà cần phải hành động. Cần đầu tư để loại trừ bệnh dại và tăng cường hệ thống y tế và hệ thống thú y qua đó giảm số tử vong mà có thể phòng được. Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện FAO nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau nỗ lực gia tăng độ bao phủ của văcxin phòng ngừa bệnh dại cho chó và chấm dứt tử vong ở người do bệnh dại ở Việt Nam. Chúng ta có văcxin tốt có thể giảm tối thiểu nguy cơ bệnh dại lây truyền qua chó. Thông qua hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt bệnh dại ở chó và cứu sống tính mạng con người”.
“Trong khi cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn, chúng ta không được để gián đoạn nỗ lực chung nhằm đảm bảo các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm chương trình loại trừ bệnh dại quốc gia. Chúng ta cần phải thúc đẩy để có được những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả văcxin dại cho cả chó và người”, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư của quốc gia vào các chương trình phòng chống và loại trừ bệnh dại ở các cấp.
Tiêm văcxin để tránh tử vong
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, đến nay chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa được bệnh dại lên cơn. Bệnh rất nguy hiểm với sức khỏe con người, nếu bị chó dại, mèo cắn truyền bệnh sang người mà không được xử lý vết thương và tiêm phòng văcxin theo đúng phác đồ thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Tại Việt Nam, bệnh dại chủ yếu do bị chó cắn, chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo: 3 - 4%. Virus dại Rhabdovirus lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ rất chậm, khoảng 12 - 24mm mỗi ngày. Chỉ khi vào tới não bộ, người bị nhiễm bệnh mới có những hành vi và biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, mức độ nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Vết thương nặng và càng gần thần kinh trung ương như ở đầu, cổ, ngón tay... thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Cách duy nhất để chữa khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn là nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm văcxin. Nếu đúng bị chó dại cắn, người bệnh không được tiêm văcxin dại sẽ bị bệnh dại. Bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn... và tử vong.
Vì vậy, khi bị chó cắn được tiêm văcxin ngay lập tức. Việc tiêm văcxin có thể loại trừ được bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.