Sống xanh

Tiệm tóc dạy nghề miễn phí cho trẻ vùng cao

  • Tác giả : Mai Loan
Nuôi ăn ở, dạy nghề hoàn toàn miễn phí, mục tiêu của tiệm tóc Mai Lan Hair Salon hướng tới không chỉ là đem lại việc làm, thu nhập, mà còn muốn truyền động lực, cảm hứng, thay đổi suy nghĩ, khát vọng sống… cho các em nhỏ vùng cao.

Chị Mai Lan, chủ tiệm tóc Mai Lan Hair Salon chia sẻ, từ việc dạy nghề miễn phí cho các em nhỏ vùng cao, chị muốn thay đổi suy nghĩ của các em, rằng khi lớn lên là phải học, phải trưởng thành, phải có nghề nuôi sống được mình thì mới lấy vợ, lấy chồng, còn nếu không thì không kết hôn, bởi sẽ rất khổ. Và cái được lớn nhất của chị hiện giờ, là các em đã hiểu được điều đó.

Chị Mai Lan (áo trắng) cùng chuyên gia về tóc hướng dẫn cho các học viên học nghề

Chị Mai Lan (áo trắng) cùng chuyên gia về tóc hướng dẫn cho các học viên học nghề

Tiệm tóc đặc biệt

Tiệm tóc Mai Lan Hair Salon trên đường lạc Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội từ lâu đã là địa chỉ đặc biệt đối với các em nhỏ vùng cao. Tiệm đã đem tới cho các em cơ hội thay đổi cuộc sống miễn phí và thật nhiều tình yêu thương. Với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, tăng dần theo các năm, ăn ở hoàn toàn miễn phí, các em đã không chỉ lo được cho bản thân mà còn giúp được gia đình rất nhiều.

Chị Mai Lan, chủ tiệm tóc, người người trực tiếp dạy nghề miễn phí cho các em chia sẻ, việc hỗ trợ các em xuất phát một cách tự nhiên, hoàn toàn như hữu duyên. Trong những lần đi làm từ thiện trên vùng cao, chị đã chứng kiến cuộc sống của các em thiếu thốn về mọi mặt.

“Chẳng hạn, có bạn rất bé mà tay trái dắt một em, tay phải một em, trên lưng địu một em bé nữa. Thật không thể tưởng tượng nổi, nhỏ như thế mà đã 3 con. Trong khi ở dưới thành phố, tuổi đó có khi bố mẹ vẫn phải giục chuyện ăn uống, rồi đưa đón đi học. Dĩ nhiên, người dân ở đây thấy như vậy là bình thường nhưng mình thấy có gì đó không ổn”, chị Lan kể.

Chị Lan cho hay, chị cũng có tham gia trao tặng quà, xây trường. Xây trường ý nghĩa nhưng mất nhiều công sức, dài hơi. Hỗ trợ về vật chất chỉ giúp họ cải thiện cuộc sống trước mắt. Học nghề và thay đổi nhận thức mới là chìa khóa giúp các bạn thay đổi cuộc sống lâu dài.

Khi biết được Trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu có một nhóm người đến các bản vận động các em nhỏ đăng ký học nghề, trong đó có nghề tóc, chị đã phối hợp lập nhóm, rồi đưa các em về Hà Nội dạy học. Mọi chi phí ăn ở chị đều miễn phí. Ngoài ra, các em còn được truyền dạy nghề để có thể tự nuôi sống được bản thân.

Đến với tiệm tóc, các em không chỉ được học nghề, mà còn thay đổi tư duy.

Đến với tiệm tóc, các em không chỉ được học nghề, mà còn thay đổi tư duy.

Cái được lớn nhất…

Chị Mai Lan cho hay, nhiều người nghĩ rằng, học nghề tóc rất đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy. Đây là ngành nghề đòi hỏi một số hiểu biết, kiến thức nền và kỹ năng nhất định.

Chẳng hạn, nghề yêu cầu các em phải có khả năng môn Văn để giao tiếp với khách hàng; biết về Toán để tính toán; biết về Hóa để pha hóa chất cho chuẩn, vì nghề sử dụng rất nhiều hóa chất… Ngoài ra, còn phải có mắt thẩm mỹ để biết thế nào là đẹp.

Trong khi đó, nhiều em khi bắt đầu xuống Hà Nội học nghề, tiếng Kinh chưa sõi, giao tiếp với người dạy còn chưa được, chứ chưa nói tới việc giao tiếp với khách hàng. Trình độ của các em cũng rất khác nhau, có em đã học xong lớp 12, nhưng có em chỉ học hết lớp 9, thậm chí còn chưa tới lớp 9. Trình độ văn hóa khác nhau dẫn tới việc tiếp thu cũng khác nhau. Vì thế, chị buộc phải phân lớp, dạy theo đối tượng.

Đầu tiên, bắt đầu bằng việc học bảng chữ cái, đánh vần, nói tiếng Kinh cho thông thạo, sau đó mới bắt đầu cho học nghề. Với các bạn đã học hết lớp 12, nhận thức tốt hơn thì cho học lý thuyết trước, thực hành sau. Còn với các bạn học hết, hoặc chưa tới lớp 9 thì ngược lại, cho thực hành trước, lý thuyết sau.

Mỗi người có cách dạy, áp dụng với từng nhóm đối tượng khác nhau nên việc dạy học khá vất vả. Ngoài ra, còn chi phí lo ăn ở cho các em cũng là một vấn đề. Năm 2021, dịch bùng phát, tiệm tóc phải đóng cửa, cả cô và trò đều lao đao. Rồi còn áp lực từ phía gia đình các em, có một số em đang học rất tốt nhưng gia đình bắt về lấy chồng… Với lòng kiên trì, quyết tâm không bỏ cuộc, rồi mọi thứ dần ổn.

Tiệm tóc như gia đình thứ hai của các em, ngoài giờ làm việc, các em còn được đi chơi, đi du lịch.

Tiệm tóc như gia đình thứ hai của các em, ngoài giờ làm việc, các em còn được đi chơi, đi du lịch.

“Mình xác định làm mọi thứ với cái tâm hướng thiện, trao đi những gì mình có thể giúp được. Điều quan trọng, là mình đã giúp các bạn thay đổi được tư duy, đó là cái được lớn nhất”, chị Mai Lan nói.

Thay đổi tư duy theo chị Lan nói, đó là giúp các em hiểu, lớn thì phải học hành, có việc làm, trưởng thành rồi mới lấy vợ lấy chồng, nếu không thì không lấy, bởi sẽ khổ.

Hiện chị đang dạy nghề cho 10 bạn, có một số bạn đã được lên thợ chính. Thu nhập mỗi người hơn 10 triệu/tháng, tăng dần lên theo từng năm, theo thâm niên nghề. Chị dặn các em, ăn ở các em đã được miễn phí, mỗi tháng chỉ nên tiêu tối đa 2 triệu cho bản thân, còn lại gửi sổ tiết kiệm, cuối năm mang về cho gia đình.

Các em nghe theo, vậy là không chỉ nuôi được bản thân mà còn giúp đỡ được gia đình xây, sửa nhà cửa, sắm sửa đồ đạc. Từ thực tế đó, bố mẹ các em cũng an lòng cho con đi theo chị học nghề, thay đổi suy nghĩ, không bắt các em về lấy chồng, lấy vợ nữa.

Muốn các em trở thành những người truyền cảm hứng

Em Thào Thị Di (Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) là một trong số các em đang được học nghề tại tiệm tóc của chị Mai Lan. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, kinh tế gia đình khó khăn, Di phải nghỉ học sớm. Không nghề nghiệp, mỗi ngày, Di chỉ lên nương làm rẫy cùng gia đình. Nhiều bạn đồng trang lứa của Di đã lấy chồng, sinh con. Tương lai của Di có thể cũng đã giống như các bạn, nếu như Di không nhận được sự giúp đỡ, khiến cuộc đời Di có bước ngoặt thế này.

Điều khiến Di thực sự hạnh phúc là giờ em không chỉ có được nghề ổn định, mà môi trường làm việc cũng rất tốt. Tiệm tóc như gia đình thứ hai của em với tình yêu thương của cô Lan tựa như người mẹ.

“Khi xuống đây, em được cô Lan lo hết mọi chi phí ăn, ở, học nghề. Cô Lan tựa như người mẹ thứ hai của em. Em tự hứa với mình sẽ học thật tốt để đáp lại sự yêu thương, giúp đỡ của cô”, Di tâm sự.

Em Thàng Văn Tưởng (sinh năm 2004) ở Sìn Hồ, Lai Châu chia sẻ, bố mẹ vốn không đồng ý cho em học nghề vì không có ai giúp đỡ gia đình. “Đến giờ thì bố mẹ đã ủng hộ em. Nếu em không đi học nghề chắc giờ đang ở nhà làm rẫy. Bạn bè của em cũng đã có vợ có con hết”, Tường nói.

Chị Mai Lan mong ước sẽ đưa các em tham gia các đấu trường thi tay nghề quốc tế. Từ những “người thực, việc thực”, chị muốn các em sẽ là người truyền cảm hứng, động lực để các bạn bè ở trên miền núi, vùng cao có niềm tin vào việc học hành, để có một tương lai sáng sủa hơn. Và không chỉ các em, mà bố mẹ các em cũng thay đổi tư duy, không ép các con phải lấy chồng, lấy vợ sớm.

“Tôi muốn đào tạo để các bạn ấy có thể tiến xa hơn nữa, muốn các em thành công và tạo ra những tấm gương để khơi nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ ở quê thay đổi tư duy, nhận thức để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Lan chia sẻ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP