Khoa học & Công nghệ

Tiêm filer làm đẹp: Biến chứng hoại tử mũi, mù mắt

  • Tác giả : Thu Hiền
(khoahocdoisong.vn) - Để giúp da căng bóng hay làm đầy những nếp nhăn, những khuyết lõm do teo lép tổ chức, chất làm đầy filler được chọn là giải pháp. Nhưng tiêm filler cũng đi cùng tình trạng biến chứng, trong đó có hoại tử, tắc mạch, nhiễm trùng…

Hoại tử mũi, mù mắt…

Một người chồng tự học nghề ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân và mua filler về tiêm cho vợ. Sau khi tiêm, vợ bị biến chứng đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, mắt phải mờ dầnsau khi tiêm filler. Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải. Hiện bệnh nhân được điều trị nhưng tình hình cải thiện thị lực mắt phải không khả quan. Đây chỉ là một trong những số ca bị biến chứng từ chất làm đầy vốn xảy ra rất nhiều khi dùng phương pháp thẩm mỹ này.

Hoại tử mũi vì tiêm filler.

TS. Nguyễn Huy Cảnh, Phụ trách Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, đơn vị ông thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng do tiêm filler làm đẹp. Trong đó có những trường hợp biến chứng nặng dẫn đến hoại tử chóp mũi, cánh mũi, da má do dùng filler làm đẹp.

Theo chuyên gia này, biến chứng phổ biến hay gặp nhất do tiêm filler là tắc mạch máu và nhiễm trùng. Tắc mạch máu dẫn đến máu không được đưa đến nuôi vùng da, cơ quan và tổ chức được chi phối. Từ tắc mạch dẫn đến hoại tử các cơ quan và tổ chức đó. Biến chứng thứ 2 là nhiễm trùng tại các khu bơm filler dưới dạng khu trú một chỗ hoặc rải rác khắc các khu vực bơm.

“Nhiều trường hợp khi chúng tôi tiếp cận bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng dẫn đến sưng đỏ, đau và viêm loét vùng tiêm filler. Nhất là các trường hợp tiêm filler kết hợp độn mũi bằng silicon. Khi mở ra, các vết viêm loét nặng dẫn đến phải tháo silicon và điều trị lâu dài”, vị chuyên gia về thẩm mỹ cho biết.

Không quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng

TS. Nguyễn Huy Cảnh phân tích, hiện nay chất làm đầyfiller được chia thành 2 loại: Loại có thể tự tiêu (phân huỷ) và loại không tiêu (không phân huỷ). Ngoài ra một số các nhà sản xuất còn phối hợp 2 loại này trong một sản phẩm nhằm mục đích tăng hiệu quả điều trị.

Những filler tự tiêu là những filler có vòng đời giới hạn thường sẽ tiêu huỷ hoàn toàn từ một vài tháng cho đến vài năm. Nó có nguồn gốc từ người, từ động vật, hoặc tái tổ hợp từ vi khuẩn. Nhóm này sẽ bao gồm các sản phẩm có bản chất là colage như: Replast, Zyderm, Demalogen, Cosmo Derm…Và Hyaluronic acid như: Juverderm, Restylene… cùng một số sản phẩm kết hợp giữa Hyaluronic acid với một số chất khác như Polylactic acid, calcium Hydroxy Apatite…

Filler không tiêu khi bơm vào cơ thể sẽ tồn tại vĩnh viễn, không bị tiêu huỷ. Phổ biến nhất là silicone với các sản phẩm như: Demagen, Lilicex… hoặc các hợp chất Poly alkylamid, Poly Acrylamide.

Những chất này thường đòi hỏi được tiêm đúng vị trí (thường là ở sâu). Tuy nhiên do nguy cơ tạo nên các u hạt và gây biến dạng hình thể sau này nên thường ít được sử dụng. Trước đây ở Việt Nam, nhiều người tiêm mỡ thực vật để làm đầy mô, tổ chức, hay cơ quan (bơm ngực, bơm mông…) thực chất là bơm silicone dạng lỏng và để lại nhiều biến chứng sau này nên đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra, hiện nay các chất làm đầy được sử dụng ở Việt Nam có rất nhiều chủng loại, nhưng chủ yếu dùng loại có thể tiêu để làm đẹp. Phần lớn những sản phẩm này được xách tay từ nước ngoài về nên thường không rõ nguồn gốc, giá khá rẻ. Hiện chỉ có một số sản phẩm như Juvederm, restylene, Teoxane và một số ít sản phẩm khác là được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Và các sản phẩm này đều có nguồn gốc cũng như chứng nhận tin cậy.

“Chính vì các sản phẩm được nhập khẩu tự do, không quản lý chặt chẽ về nguồn gốc và chất lượng. Cùng với đó, các cơ sở làm đẹp không có kinh nghiệm, không được đào tạo sử dụng sản phẩm gây ra những tai biến và biến chứng đáng tiếc”.

“Rất nhiều trường hợp tai biến vì người tiêm không hiểu được bản chất của sản phẩm, cách dùng sản phẩm đó sao cho đúng vị trí. Kèm theo không có chuyên môn về y khoa. Thậm chí, người tiêm không biết nên xử trí thế nào khi có biến chứng khiến người bệnh bị bỏ qua giai đoạn vàng giúp cứu nguy”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Hiểu sai chất liệu đi đến di chứng

Ngoài yếu tố nguồn gốc, chất lượng của chất làm đầy filler, các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến biến chứng của phương pháp làm đẹp này chính là tay nghề của người làm. Nhất là khi họ không hiểu rõ bản chất nguyên liệu. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố cũng không có cách cứu chữa giúp người làm đẹp bỏ qua thời điểm vàng cứu chữa.  

TS. Nguyễn Huy Cảnh cũng nhấn mạnh, việc tiêm chất làm đầy phải được chỉ định đúng cho mục đích tạo hình cũng như thẩm mỹ. Và để làm được điều này cần phải hiểu rõ bản chất của filler.

Có những chất chỉ được sử dụng ở trong da để làm căng bóng, làm hồng và săn chắc cũng như tăng chất lượng của da. Có những chất dùng ở sâu hơn để làm đầy những nếp nhăn, những khuyết lõm do teo lép tổ chức. Những chất được dùng ở sâu hơn, như sát hoặc dưới cốt mạc của các xương để tạo dựng hình thể… Và mỗi chất liệu này sẽ được sản xuất sao cho phù hợp với vị trí tiêm.

Nếu sử dụng không đúng, hiệu quả làm đẹp không tốt còn gặp rất nhiều biến chứng. Ví dụ như để tiêm trong da và dưới da cần dùng các sản phẩm có liên kết chuỗi ngắn. Với các sản phẩm này thời gian tiêu huỷ hoàn toàn ngắn. Để tiêm dưới da hay sát cốt mạc người ta sử dụng những sản phẩm có những chuỗi liên kết dài.

“Khi tiêm những chất làm đầy có chuỗi liên kết ngắn vào động mạch có thể xảy ra tình trạng bị đứt gãy và đi vào mạch máu. Từ đó, gây tắc các vi mạch dẫn tới hoại tử các cơ quan, bộ phận mà mạch máu đó nuôi dưỡng. Điển hình gây hoại tử da, hoại tử mũi và mù mắt như những trường hợp đã nêu ở trên”.

   “Để sản xuất được các chất làm đầy có chất lượng thì công nghệ sản xuất ra những sản phẩm này khá phức tạp, chi phí cao, đặc biệt là công nghệ tạo các chuỗi liên kết. Và để sử dụng hiệu quả cũng như an toàn thì người thực hiện kỹ thuật phải có hiểu biết rõ về chất liệu mình sử dụng, kỹ thuật thực hiện tiêm”, vị chuyên gia phân tích.

Phát hiện nhanh nguy cơ biến chứng

Trước thực tế hiện nay việc tiếp cận các chất filler ở nước ta đang rất lỏng lẻo, không rõ nguồn gốc. Người làm đẹp có thể áp dụng phương pháp này ở bất cứ đâu, từ các spa, cửa hàng làm đẹp đến các trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện. Và, người học việc không có sự giám sát, có thể học từ cơ sở cá nhân nào.

Do đó, TS. Nguyễn Huy cho hay, để đảm bảo an toàn, người làm đẹp cần đến các đơn vị có chuyên môn sâu, tay nghề tốt. Thậm chí, tại đây họ được theo dõi và sử dụng thuốc để phân giải chất độn nhanh chóng, giúp thoát khỏi những di chứng về lâu dài.

Vị chuyên gia cũng hướng dẫn người làm đẹp cần theo dõi các nguy cơ tắc mạch thông qua các biểu hiện trên bề mặt da.

Như, khi về nhà, cần nhận biết sự biến đổi màu sắc của da. Nếu da đang hồng hào bị chuyển sang nhợt nhạt tức là mạch máu có vấn đề.

Hay, thử nghiệm tưới máu của mao mạch bằng cách ấn da xuống.Da được tưới máu tốt khi không ấn vốn hồng hào, ấn xuống sẽ trắng, sau đó hồi lại nhanh. Ngược lại, da không tưới máu tốt khi ấn xuống sẽ trắng nhưng trắng lâu, không hồng hào trở lại hoặc hồi chậm.

“Khi da có những biểu hiện trên cần nghĩ đến nguyên nhân tại sao, bao gồm tắc mạch sau tiêm filler. Cách kịp thời nhất chính là đến ngay các cơ sở y tế có chuyên môn để được đánh giá gia đúng, thậm chí tiêm thuốc giải nhằm tránh mất thời gian vàng giúp thoát khỏi các biến chứng”.

Theo đó, TS Nguyễn Huy Cảnh cho hay, tắc mạch có thuốc để phân giải chất độn. Nhưng muốn giải phải là filler có nguồn gốc rõ ràng. Khi tiêm chất giải người ta cũng không tiêm thẳng vào mạch máu thay vì chỉ tiêm xung quanh vùng tắc mạch. Chất này sẽ thấm vào mạch máu để phân hủy, làm tan filler giúp hồi phục tuần hoàn”

“Thuốc giải này phải dùng sớm, ngay khi có biến chứng. Nếu muộn, sau khoảng 6-12 tiếng thì khả năng hoại tử rất lớn”, TS. Nguyễn Huy Cảnh cảnh báo.

Thu Hiền

BẢN DESKTOP