Y học và đời sống

Thường xuyên bị chuột rút, phải làm sao?

  • Tác giả : Theo Đạt Nhi/ Tiền Phong
Chuột rút (vọp bẻ), đặc biệt là chuột rút bắp chân, là tình trạng quen thuộc với nhiều người. Cơn đau co thắt đột ngột không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Theo thống kê, có khoảng 1/3 người trên 60 tuổi và 1/2 tổng số người từ 80 tuổi trở lên thường bị chuột rút, nhất là vào ban đêm.

Chuột rút xảy ra khi các cơ co lại đột ngột và không tự chủ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này khá đa dạng, có thể bao gồm:

Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút ở chân, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thiếu ngủ, chứng tỏ cơ thể đang có dấu hiệu thiếu chất điện giải.

Thiếu chất điện giải: Canxi, magiê, kali là những chất điện giải quan trọng giúp duy trì chức năng thần kinh và cơ bắp. Thiếu hụt các chất này có thể làm tăng nguy cơ chuột rút.

Mất nước: Khi cơ thể mất nước, các chất điện giải cũng bị mất theo, gây ra sự mất cân bằng và dẫn đến chuột rút.

Tập thể dục quá sức: Tập thể dục cường độ cao hoặc kéo dài có thể làm mỏi cơ và tăng nguy cơ chuột rút.

Mang thai: Phụ nữ mang thai thường dễ bị chuột rút do sự thay đổi hormone và tăng nhu cầu về các chất dinh dưỡng.

Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị cholesterol có thể gây ra chuột rút.

Các bệnh lý tiềm ẩn: Bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh mạch máu ngoại biên... cũng có thể là nguyên nhân gây chuột rút.

Cách xử trí khi bị chuột rút

Đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến người bệnh khó cử động. Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng.

Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối. Khi bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.

Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh… Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt.

Khi bạn vận động quá sức, các cơ bắp sẽ bị mỏi thậm chí bị chấn thương, điện giải trong cơ thể sẽ bị tiêu hao nhanh chóng, nếu không được bổ sung lại kịp thời thì bạn có thể bị chuột rút.

Để giảm thiểu tình trạng chuột rút và cải thiện chất lượng giấc ngủ, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng. Một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng sẽ cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là canxi, magiê và kali – những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng bình thường của cơ bắp.

Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh. Magie có nhiều trong các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt bí ngô, và các loại hạt họ đậu. Kali lại dồi dào trong chuối, khoai tây, cà chua, bơ. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước mỗi ngày cũng rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mất nước, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chuột rút.

Ngoài ra, thay đổi thói quen sinh hoạt cũng là điều mà các bệnh nhân hay bị chuột rút cần chú ý. Việc kéo giãn cơ trước và sau khi tập thể dục giúp làm ấm cơ bắp, tăng độ dẻo dai và giảm nguy cơ chấn thương. Ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ cũng là một cách thư giãn hiệu quả, giúp giảm căng thẳng cơ bắp và cải thiện giấc ngủ.

Bên cạnh đó, massage nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm đau và thư giãn cơ bắp. Ngoài ra, bạn nên tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế để giảm áp lực lên các nhóm cơ.

Hiện tượng chuột rút xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó trong cơ thể, đặc biệt là bị chuột vào ban đêm. Có tới 70% số người trường hợp chuột rút vào ban đêm là do bệnh suy giảm hệ tĩnh mạch ở chân.

Song song với đó, các biện pháp dân gian cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Chườm ấm vùng cơ bị chuột rút giúp giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu và giảm đau. Uống nước gừng hoặc nước chanh ấm không chỉ giúp làm ấm cơ thể mà còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả hoặc bạn thường xuyên bị chuột rút kèm theo các triệu chứng khác như đau nhức kéo dài, sưng tấy, tê bì... thì nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đạt Nhi/ Tiền Phong

BẢN DESKTOP