NHÌN THẲNG

Thưởng tiền sinh con vùng có mức sinh thấp: Cú hích mạnh để đẩy mức sinh?

  • Tác giả : Thúy Nga
Dự thảo luật dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến thưởng 2 lần mức lương tối thiểu cho phụ nữ sinh con thứ 2 ở 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, kể cả khi thực hiện được các giải pháp đồng bộ cũng khó vực dậy được mức sinh. Vì vậy, giải pháp căn bản là thích ứng với xã hội có mức sinh thấp.

Thưởng tiền chỉ là khuyến khích không phải cú hích

Trao đổi với PV KH&ĐS, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, chính sách này là đánh dấu một bước chuyển của chính sách dân số của nước ta. Từ chỗ đẩy mạnh KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh đến giai đoạn mức sinh xuống thấp hơn mức sinh thay thế và chuyển sang giai đoạn khuyến khích sinh.

Mức sinh thấp gây ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình, xã hội, sự phát triển của đất nước. Nếu gia đình 1 con sẽ dẫn tới thế hệ không có anh chị em. 1 trẻ được 6 người chăm sóc (2 bố mẹ, 4 ông bà nội ngoại) khi còn bé và lớn lên ngược lại trẻ phải có nghĩa vụ, tình cảm chăm sóc lại cho 6 người. Điều này sẽ gây cú sốc lớn cho trẻ, từ lúc được chiều chuộng quá đến lúc trách nhiệm nặng nề quá.

Đối với Nhà nước thì sẽ thiếu hụt lao động, già hóa dân số. Nhằm tránh tình trạng giảm sâu như vậy, Nhà nước có chính sách khuyến sinh ở những nơi có mức sinh thấp.

Chính sách này có 2 ý nghĩa lớn: 1. Đánh dấu bước chuyển của chính sách dân số Việt Nam với mức sinh; 2- Ủng hộ về tinh thần: Nhà nước chia sẻ khuyến khích sinh 2 con còn ý nghĩa về kinh tế rất là nhỏ. Bởi ở những vùng có mức sinh thấp là ở các đô thị có mức độ phát triển kinh tế rất cao, cao nhất cả nước. Ở đó, giá cả rất đắt đỏ nên việc nuôi dạy 1 đứa con đến 18-22 tuổi để lao động được đòi hỏi chi phí rất lớn cả về kinh tế, vật chất và tinh thần.

Hơn nữa, môi trường sống hiện nay với các tệ nạn xã hội nhiều đòi hỏi trẻ được chăm sóc kỹ hơn. Cha mẹ luôn muốn cho con cái được học hành, chăm sóc sức khỏe... nên chi phí rất lớn. Vì vậy, họ không muốn sinh nhiều để lo cho con có chất lượng cuộc sống, chất lượng con người tốt hơn. Để làm được điều đó thì chi phí cho con cái rất lớn.

21-tinh-thanh-sinh-con-thap.jpeg
21 tỉnh có mức sinh thấp.

Vì vậy mức khuyến khích 5-7 triệu, thậm trí vài ba chục triệu là không thấm vào đâu so với chi phí và yêu cầu để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành khỏe mạnh, trí tuệ, chất lượng cao như người ta khát vọng.

Do đó, giải pháp thưởng tiền này chỉ mang ý nghĩ khuyến khích về tinh thần nhiều hơn về kinh tế và nó không phải là cú hích mạnh để đẩy mức sinh lên.

Thích ứng với xã hội có mức sinh thấp, chất lượng dân số cao

Kinh nghiệm trên thế giới cũng có nhiều giải pháp, khuyến kích rất nhiều, nhưng ngay cả nước phát triển cũng không đẩy được mức sinh lên.

Để đẩy mức sinh, riêng một giải pháp nào cũng là không đủ để vực dậy mức sinh ở các vùng kinh tế phát triển. Vì vậy, ngoài kinh tế phải đi kèm các vấn đề xã hội, tuyên truyền giáo dục và các giải pháp khác.

GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích, đặc điểm ngày nay là phụ nữ cũng đi làm. Sinh 1-2-3 con sẽ khiến công việc gia đình phức tạp lên rất lớn. Nếu không có sự chia sẻ của chồng thì 2 vai người phụ nữ sẽ quá tải: một bên hoạt động xã hội, lo kinh tế, một bên gánh nặng nội trợ, con cái lo về sức khỏe, học tập...Do đó, việc tuyên truyền giáo dục cho nam giới bình đẳng chia sẻ công việc của gia đình là rất quan trọng.

Hơn nữa, trẻ nhỏ đi mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ trong khi bố mẹ đi làm thì việc đòi hỏi sự hài hòa giờ giấc đi học của trẻ với bố mẹ rất quan trọng. Vì vậy cần linh hoạt hóa giờ làm việc, giờ đón con trong xã hội sẽ tạo cơ hội cho các gia đình trẻ.

Ngoài ra, thời gian nghỉ sinh con cũng cần tăng lên theo trình độ phát triển của xã hội, nếu được 1 năm là tốt nhất để bà mẹ có đủ điều kiện chăm sóc con.

Hơn nữa, cần phát triển hệ thống dịch vụ trong gia đình để giảm nhẹ công việc gia đình, công việc nuôi dạy trẻ để gia đình bớt gánh nặng có thể sinh thêm con.

Điều quan trọng là vấn đề nhà ở, nên tạo các ưu tiên về chế độ để cung cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng. Khen thưởng khuyến khích và tích cực tuyên truyền.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, kể cả khi thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp thì cũng rất khó đẩy được mức sinh lên khi nó đã xuống thấp. Thực tế ở các nước có trình độ phát triển cao, tiềm lực kinh tế lớn, họ thực hiện mọi biện pháp thúc đẩy mức sinh như Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng không vực dậy được mức sinh.

Việc nâng mức sinh lên còn khó khăn hơn rất nhiều việc hạ mức sinh xuống. Trong khi việc hạ mức sinh chúng ta đã làm hơn 61 năm nay, nhưng nhiều vùng vẫn không hạ được mức sinh xuống mức sinh thay thế.

Trên thế giới mới thành công trong việc KHHGĐ chứ chưa thành công trong việc nâng mức sinh lên. Do đó, giải pháp chủ yếu, căn bản là chúng ta chủ động thích ứng với xã hội có mức sinh thấp. Thấp về số lượng nhưng nâng cao chất lượng dân số, nâng cao năng suất lao động thì xã hội vẫn phát triển bền vững .

Cần có sự tham gia của nam giới chia sẻ với phụ nữ công việc gia đình, chăm sóc con cái và các chính sách đồng bộ của Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích để nâng mức sinh." GS.TS Nguyễn Đình Cử

Thúy Nga

BẢN DESKTOP