Vấn đề - Sự kiện

Thương tiếc những dòng sông

Thương tiếc những dòng sông, nhưng cũng cần thương những người đang phải sống cạnh những dòng sông ô nhiễm ấy. Không thể để sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng mà không có giải pháp gì để cải thiện.

Ô nhiễm sông Tô Lịch.

Những tên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét… giờ dường như chỉ còn trong sử sách, bởi sông thì vẫn còn đây, dù hai bờ được kè cẩn thận, trồng cây xanh đẹp đẽ, nhưng chẳng ai nỡ gọi đây là sông nữa. Trẻ con thì có cách gọi riêng, tất cả đều được gọi chung với cái tên là sông thối.

Không có cái tên nào đúng hơn nữa khi nhìn dòng nước đen đặc quánh, không thể chảy nổi vì rác và bốc mùi hôi thối quanh năm như thế. Hôm vừa rồi, có việc đi dọc đường Trần Đại Nghĩa, cả một đoạn dài cạnh sông là cả một đoạn dài cứ phải ngửi cái mùi hôi lưu cữu của cống rãnh bốc lên.

Trời nóng, oi bức, mùi hôi  bốc lên càng mạnh. Nhiều nhà phải đóng chặt cửa. Cứ nghĩ phải sống cạnh cái cống khổng lồ lộ thiên như thế, thật kinh khủng.

Những dòng sông thơ mộng ngày nào giờ đã thay đổi chức năng, không còn là những dòng chảy mát lành quanh thành phố, tưới nước cho những vườn tược, ruộng đồng… mà giờ đây chỉ còn đơn thuần là những cái cống nước thải. Hai bên bờ, dù đã được kè đá, lát xi măng thì vẫn lộ ra những miệng cống ngày đêm không ngừng thải ra thứ nước đen sì, hôi thối.

Dù rất muốn cứu dòng sông đã gắn liền với văn hóa, lịch sử của Hà Nội, nhưng đến nay, rõ ràng là chúng ta đành bó tay. Thậm chí còn phải đóng chặt cửa nếu chẳng may phải sống cạnh, bịt mũi khi đi qua đó. Nước thải sinh hoạt vẫn cứ chảy thẳng ra như thế kia, không hề được xử lý thì làm sao mà không ô nhiễm cho được.

Thôi thì cứ gọi đúng tên của nó là những cái cống đi để có cách đối xử cho đúng. Chứ cứ hoài niệm mãi với những cái tên sông mà không giữ được, không cứu được nó thì còn đau lòng hơn nữa.

Mà đã là cống thì không thể để lộ thiên, phơi ra những thứ rác rưởi, bẩn thỉu như thế, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn mất vệ sinh, là nguy cơ gây bệnh… Thế nên một số nơi đã đổ bê tông làm đường trên những đoạn sông. Ít ra đó cũng là giải pháp tình thế.

Thương tiếc những dòng sông, nhưng cũng cần thương những người đang phải sống cạnh những dòng sông ô nhiễm ấy. Không thể để sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng mà không có giải pháp gì để cải thiện. Còn đời sau, khi nào giải quyết được ô nhiễm, con cháu ta lại khơi lại những dòng chảy xưa.

Quy luật của đời sống là cái gì hợp lý thì tồn tại.

Minh Anh

BẢN DESKTOP