Cà phê Việt được bán khắp mọi nẻo đường từ vỉa hè đến nhà hàng sang chảnh và rất được lòng du khách nước ngoài. Không còn đơn thuần là cà phê đen, cà phê sữa truyền thống, ngày nay, để thu hút thực khách và tạo dấu ấn riêng, người pha chế còn tạo ra những loại cà phê độc đáo như cà phê muối, cà phê bơ, cà phê cốt dừa…
Cà phê ngon từ nguyên liệu…
Không phải ngẫu nhiên mà cà phê Việt ghi dấu trên bản đồ ẩm thực thế giới và chinh phục được vị giác của du khách. Để tạo nên một ly cà phê ngon, chuẩn vị, yêu cầu về nguyên liệu phải cực kỳ khắt khe.
Hạt cà phê phải hội tụ đủ các yếu tố đặc biệt về sạch, tươi mới kết hợp với sự cân bằng của hương và vị, chia thành 5 nhóm chính sau: độ ngọt (sweetness), đắng (bitter), chua (acidity), đậm đà (mouthfeel) và hương thơm (flavor) chính là các yếu tố quan trọng nhất tạo nên một ly cà phê ngon. Tuỳ “guu” uống của mỗi người mà người uống sẽ đánh giá “NGON” với cường độ hương và các vị khác nhau.
Tại sao lại vậy? Có lẽ, chúng ta sẽ nói qua về “guu” uống cà phê có phối trộn đang có trên thị trường Việt Nam hiện nay. Cà phê phối trộn hay còn được gọi là cà phê tẩm là một thức uống ngoài cà phê, người rang sẽ cho thêm bơ thực vật, nước mắm hay rượu... để có thêm vị béo ngậy hay mùi thơm. Ở Việt Nam, kiểu uống này đang chiếm tới 90 - 95% thị trường.
Cà phê mộc hay còn gọi là cà phê nguyên chất, chiếm 5% còn lại, là cách thưởng thức thuần cà phê. Có một sự thật, rất ít người Việt Nam hay các chủ quán cà phê cũng ít có kiến thức hoặc chưa phân biệt được giữa 2 loại cà phê trên. Chỉ cần được trải nghiệm thực tế qua quan sát và có chia sẻ về quá trình làm cà phê chỉ một lần, bất cứ ai cũng sẽ hiểu, phân biệt và lựa chọn được cà phê ngon cho mình.
Cà phê muối |
… đến cách pha
Ngoài nguyên liệu thì cách pha chế cũng quyết định hương vị của cà phê. Bà Trịnh Vân Anh - Chủ thương hiệu Cà phê Riza (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, cà phê Việt thường được pha theo phong cách của người Pháp, tức là pha phin. Người ta rót nước sôi xong ngồi chờ cà phê nở ra ngấm nước rồi mới chắt lọc từng giọt, rất đặc biệt. Pha một ly cà phê, chẳng tốn nhiều công sức, nhưng cần có thời gian. Ngồi nhìn từng giọt đen đen rơi tí tách, đó là một sở thích của những tín đồ cà phê.
Tuy nhiên, để tạo ra được những ly cà phê chất lượng tốt nhất thì nên để ý đến tỉ lệ vàng trong nguyên tắc pha cà phê. Tỉ lệ giữa cà phê và nước đó là 25 ml nước - 15g café; 50 ml nước - 30g café; 75 ml nước - 45g café; 1l nước - 60g café…
Dựa vào tỉ lệ ở trên, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau để có một ly cà phê cổ điển thơm ngon
Phương pháp 1: Pha chế dựa trên nhiệt độ của nước. Như đã nói ở trên nhiệt độ của nước có ảnh hưởng rất quan trọng đến độ hòa tan và chiết xuất cà phê được làm ra. Nếu nhiệt độ không thích hợp sẽ làm biến đổi hương vị cà phê khiến chất lượng đi xuống. Thông thường nhiệt độ thích hợp của nước nên ở mức từ 90-93 độ C sẽ đảm bảo nhất.
Phương pháp 2: Tần suất khuấy trong lúc pha. Bên cạnh nhiệt độ của nước thì quá trình chúng ta quấy nhiều hay ít cũng tác động đến tốc độ hòa tan các chất rắn trong cà phê. Nếu chúng ta khuấy quá nhiều thì nhiệt độ nước sẽ nhanh giảm và quá trình hòa tan sẽ chậm hơn. Do đó không nên khuấy quá nhiều.
Phương pháp 3: Nên chỉ điều chỉnh một yếu tố tại một thời điểm: Trong quá trình thực hiện không nên điều chỉnh quá nhiều các yếu tố cùng lúc vì có thể sẽ làm kết quả ngày càng tệ hơn. Chúng ta nên thay đổi từng chút một, từng yếu tố một để biết nguyên nhân ở đâu từ đó khắc phục sẽ nhanh chóng thành công hơn.
Theo thời gian, các yếu tố chủ quan và khách quan đã tác động đến “guu” thưởng thức cà phê của người Việt chuyển sang đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất. Tùy vào vùng miền, độ tuổi mà cách thưởng thức cà phê cũng biến đổi và không theo chuẩn mực nhất định. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi, họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, đa số thích uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều phải đậm đặc. Người thích một cốc nâu đá pha sẵn đặc quánh ngọt lừ, có người chỉ say mê những giọt cà phê thong thả rơi từ chiếc phin cũ, lại có người…
Khi cà phê trở thành một nét văn hóa
Người Việt có thể thưởng thức cà phê mọi lúc, khi làm việc, lúc nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè hay lúc trong lòng trống trải. Chính vì thế, cà phê có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào. Cứ như vậy, cà phê đã đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người.
Đặc biệt, cà phê Việt Nam vô cùng độc đáo. Từ việc uống cà phê, đã có một phong cách rất riêng, họ coi cà phê là món đồ uống để thưởng thức chứ không phải là các loại thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ giống như các nước phương Tây. Chúng ta ngồi bên tách cà phê, nhâm nhi, suy tưởng và nhấp môi từng ngụm nhỏ. Vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn hay ngồi làm việc và còn để suy ngẫm về cuộc sống, con người xoay quanh ly cà phê.
Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, instagram, google,… mà văn hóa cà phê Việt Nam giúp con người thưởng thức về cả vị giác lẫn thị giác.
Nhiều năm gần đây diễn ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của mô hình cà phê chuỗi giữa ngoại và nội. Việc có mặt của nhiều thương hiệu cà phê lớn đang cho thấy sức hấp dẫn của thị trường cà phê Việt Nam. Bởi lẽ, với tính cách thích thích khám phá, ham học hỏi, cà phê Việt bây giờ có nhiều loại mới, không chỉ đơn giản là cà phê đen hay cà phê sữa đá. Những cách pha chế mới lạ đã đưa cà phê lên một level mới, và là cả một nghệ thuật. Mặc dù độc đáo là như vậy, nhưng nét văn hóa xưa của cà phê Việt Nam vẫn không hề phai mờ.
Cà phê đá Việt Nam ngon thứ 2 thế giới
Taste Atlas - Trang du lịch trải nghiệm về ẩm thực truyền thống và được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực của thế giới" đã đưa ra bảng xếp hạng 10 loại cà phê ngon nhất thế giới.
Trong đó, cà phê sữa đá của Việt Nam được xếp ở vị trí số 2 trong số 10 loại cà phê.
Vị trí số 1 thuộc về cà phê Ristretto có nguồn gốc từ Ý. Ristretto là một biến thể của Espresso hay một phương pháp pha chế khác bằng máy pha để cho ra tách cafe “cô đặc” hơn. Trong tiếng Ý, Ristretto có nghĩa là rút ngắn – restricted. “Rút ngắn” ở đây hàm ý chỉ việc các barista chỉ thực hiện chiết xuất vào giai đoạn đầu của một quá trình pha cafe mà bỏ đi giai đoạn chiết xuất cuối. So với loại cà phê espresso phổ biến mà nhiều người biết đến, Ristretto có vị đậm hơn nhưng ít đắng hơn, hương vị cân bằng hơn.