Đời sống

Thương mại điện tử trợ lực nông dân mùa dịch

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Thương mại điện tử là cánh cửa hữu hiệu nhất để kết nối cung – cầu, vừa dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản.

Cánh cửa hữu hiệu để kết nối cung – cầu

Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương. 

Tại Bình Thuận, xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân) vẫn còn 220ha trồng cây nhãn da bò đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chưa có người mua và giá thu mua thấp. Ước khoảng 700 tấn nhãn đang bị tồn đọng.

Tại Hậu Giang, từ nay đến cuối năm, sản lượng cây ăn trái của tỉnh sẽ đạt hơn 100.000 tấn; rau màu đạt hơn 35.000 tấn, chăn nuôi các loại đạt gần 12.000 tấn; thủy sản các loại gần 46.000 tấn; trong đó, một số nông sản đang vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn cần hỗ trợ tiêu thụ là: cam, dưa lê, chôm chôm, nhãn…

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ tháng 7/2021 đến nay khiến nhiều loại nông sản không có nơi tiêu thụ, giá bán tại vườn rẻ như cho. Phần lớn người nông dân không muốn thu hoạch bởi tiền bán ra không đủ bù trừ chi phí thuê người thu hoạch.

Điều đáng nói, tại các vùng nguyên liệu, nông sản dồn ứ, nhưng tại các thị trường chính như TPHCM, giá cả leo thang do đang thiếu hàng thiết yếu để chống dịch và duy trì sản xuất.

Đơn cử như tỉnh Long An có hơn 11.200 ha trồng chanh, sản lượng 75. 000 tấn đang vào mùa thu hoạch. Giá chanh ở Long An chỉ từ 4.000 - 10.000đ/kg, nhưng tại TPHCM và nhiều nơi khác đang ở mức 20.000 - 30. 000đ/kg. 

Không chỉ các địa phương tại miền Nam bị ảnh hưởng, nhiều địa phương khác tại miền Bắc cũng đang phải tìm lối ra cho các sản phẩm nông nghiệp như nhãn lồng Hưng Yên, na (Lạng Sơn, Quảng Ninh).

Số liệu từ UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 7/8, lượng phương tiện vận chuyển thanh long dồn lên tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là 521 xe, khu vực ngoài cửa khẩu tồn 130 xe. Trong khi, năng lực thông quan trung bình hàng ngày hiện nay qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ khoảng 100 - 130 xe. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc tạm thời dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang).

Để giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay, các địa phương đều xác định thương mại điện tử là cánh cửa hữu hiệu nhất để kết nối cung – cầu, vừa dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản.

Người dân cần vào cuộc cùng chính quyền

Ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại đầu tháng 7/2021, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa. Trong đó, có mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ quả tươi phục vụ người tiêu dùng tại các tỉnh thành và khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội như TPHCM, các tỉnh thành phía Nam và TP Hà Nội…

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã có Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian…

Theo đó, Vietnam Post và Viettel Post sẽ chịu trách nhiệm chính để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước.

Có kinh nghiệm từ hỗ trợ người dân 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tiêu thụ hàng ngàn tấn vải thiều, sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Vietnam Post) đã nhanh chóng lên kế hoạch triển khai kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản khu vực miền Nam.

Hiện nay, sàn này đang lên kế hoạch đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên Postmart.vn từ nay đến hết năm 2021. Hàng chục ngàn nhân viên Postmart.vn đang tỏa xuống các địa phương để tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện các kỹ năng livestream, họp nhóm, gửi hình ảnh hoặc video...; cùng nông dân đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm...

Trong khi đó, Shopee thực hiện Chương trình “Thực phẩm bình ổn” nhằm cung cấp các loại trái cây đúng vụ, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tươi ngon, an toàn; các loại thịt sạch nhập khẩu...

Tuy nhiên, thực tế triển khai đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử ở các địa phương thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thói quen sản xuất kinh doanh truyền thống lâu đời của các hộ nông dân.

Cụ thể, phần lớn người nông dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ, nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn nên họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức. 

Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (thuộc Viettel Post) cũng đã tổ chức đào tạo online cho các hộ sản xuất nông nghiệp về cách tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên sàn. Vỏ Sò đặt mục tiêu tạo hơn 2 triệu gian hàng nông sản trên sàn trong năm 2021.

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP