KINH TẾ

Thương lái và "thách thức" hạ giá thịt lợn

  • Tác giả : Quốc Dũng
(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng nhiều lần yêu cầu giảm giá lợn hơi để bình ổn thị trường, trong đó yêu cầu xử lý thương lái đầu cơ, trục lợi. Bộ trưởng NN&PTNT cũng nhiều lần “quyết tâm” bình ổn thị trường thịt lợn. Nhưng giá thịt lợn vẫn bị đánh giá là cao, không giảm. Vậy thì chuyện gì đang diễn ra?

Thương lái, một sản phẩm của... cơ chế?

Thịt lợn là mặt hàng đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65 - 70% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung lợn hơi bị thu hẹp... dẫn tới giá thịt lợn tăng cao hơn mọi năm. Đó là nguyên nhân ngắn hạn của tình trạng giá thịt lợn cao hiện tại.

Tại Việt Nam, trong vài chục năm qua, thị trường thịt lợn nói riêng, thị trường thịt nói chung, về nguyên tắc vẫn được quản lý bởi các cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như Bộ Công Thương quản lý chung về thị trường, Bộ NN&PTNT quản lý về chăn nuôi, chất lượng thịt do liên bộ Bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương... quản lý.

Tuy nhiên, về thực chất thị trường thịt - trong đó có thị trường thịt lợn - chủ yếu được quản lý ở nguồn con giống, thức ăn, thú y, hay thậm chí là chuồng trại, nơi lưu giữ. Còn lưu thông, giá cả, phân phối - mảng đặc biệt của thị trường thịt – các hệ thống quản lý chưa phát huy hiệu quả thực sự.

Đây không phải là kết luận võ đoán mà là thực thế. Từ hàng chục năm qua, thị trường thịt lợn luôn manh mún trong chăn nuôi – với đặc trưng chăn nuôi nông hộ, trang trại - vẫn là chủ đạo. Từ đó kéo theo việc mua bán lợn hơi, giết mổ, phân phối thịt lợn manh mún theo, với sản lượng chủ yếu bán ở các chợ truyền thống - nơi cực khó để quản lý chất lượng.

Tất nhiên, theo thời gian, mô mình nuôi công nghiệp có xuất hiện và phát triển, với các đại diện tiêu biểu như Visan, Hòa Phát…. hay đặc biệt là Tập đoàn CP của Thái Lan. Tuy nhiên, thực tế mô hình phổ biến vẫn là nuôi gia công theo nông hộ hoặc trang trại. Còn việc tiêu thụ, bán lẻ sản phẩm thịt cuối cùng vẫn phụ thuộc vào chợ truyền thống hay xuất khẩu tiểu ngạch.

Sự manh mún, nhỏ lẻ trong chăn nuôi ấy khiến cơ quan quản lý cực khó giám sát chất lượng vật nuôi và sau đó là khó quản lý về chất lượng thịt. Về thị trường, tính chất manh mún, nhỏ lẻ về chăn nuôi đưa tới yêu cầu cần một hệ thống thu gom lợn từ chuồng nuôi tới khu tập trung. Sau đó là kênh phân phối lợn sang giết mổ hay xuất khẩu lợn sống, thịt thương phẩm cho sạp, vào bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và chợ truyền thống.

Cần lưu ý là, lợn thu gom trong dân ít bán trực tiếp vào các siêu thị. Do kênh bán hàng này là nơi hiếm hoi được quản lý hiệu quả bởi hệ thống giám sát chất lượng của Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị cũng không muốn rủi ro uy tín thương hiệu khi kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Trong thực tế ấy, không quá khó để nhận rõ vai trò vô cùng quan trọng của hệ thống thương lái đối với thị trường thịt lợn. Thực tế, vai trò mờ nhạt của Nhà nước trong cung cấp con giống, giám sát việc nuôi, đặc biệt là tổ chức kênh thu gom, phân phối... đã khiến hệ thống thương lái tự nhiên hình thành và làm thay chức năng của Nhà nước trong những hoạt động thuần túy thị trường này.

Từ giác độ này, cần phải ghi công cho hệ thống thương lái trên thị trường thịt. Không có họ, hàng chục năm qua sản phẩm chăn nuôi của nông dân không biết tìm đường nào mà tiêu thụ cho hết. 

Vấn đề là, thời gian gần đây, cùng với dịch tả lợn bùng phát và kéo dài, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng vọt… càng khuyến khích giá lợn tiêu dùng trong nước tăng cao, do phải cạnh tranh về giá với hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nguồn cung thịt, bằng cách nào đó, lại được quy kết có nguyên nhân từ hệ thống thương lái. 

Chăn nuôi manh mún, nông hộ, quản bằng mệnh lệnh hành chính được không?

Chăn nuôi manh mún, nông hộ, quản bằng mệnh lệnh hành chính được không?

Giá cao là hệ quả, không là mục đích

Tất nhiên, việc phụ thuộc vào thương lái cũng đem lại nhiều hệ lụy. Vai trò quá lớn trong từng khâu của thị trường đã dẫn tới thực tế hình thành nhiều tầng nấc thương lái. Kèm theo mỗi khâu, mỗi tầng nấc thương lái đều phải thu lãi kinh doanh. Chênh lệch lãi cộng gộp các khâu, sau đó, đều phản ánh trong giá thành thịt lợn bán lẻ tới tay người tiêu dùng.

Để dễ hiểu hơn, có thể hình dung bậc thang thị trường lợn hiện nay vận hành theo cách thương lái bán con giống, doanh nghiệp bán thức ăn, Nhà nước và thương lái cung cấp thú y. Nhưng, khâu thu gom lợn từ chuồng nuôi, phân loại, bán vào các điểm giết mổ, phân loại thịt và bán vào các kênh bán lẻ trong nước phần lớn do thương lái đảm nhiệm.

Từ lợn con tới thịt lợn thương phẩm bán lẻ, do thế, trải qua không dưới 4 tầng nấc của kênh phân phối. Nếu giả định lợi nhuận định mức cho mỗi kênh khoảng 10%, không quá khó để thấy lợi nhuận kênh phân phối đã chiếm không dưới 40% giá thịt bán lẻ. Nếu tính cả tỷ lệ thu hồi thịt thương phẩm chỉ chiếm khoảng 60 – 70% trọng lượng lợn, không quá khó để hiểu vì sao giá thịt bán lẻ luôn gấp từ 2 – 3 lần giá lợn hơi.

Có nghĩa, chiến lược mờ nhạt và quản lý yếu kém của Nhà nước nhiều năm qua là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự hình thành hệ thống thương lái - trung gian giữa người nuôi và người tiêu dùng cuối cùng. Và cũng sự yếu kém ấy đã dẫn tới thực tế ngay trong hệ thống trung gian cũng có quá nhiều tầng nấc. Và thế là tỷ lệ lợi nhuận cho hệ thống trung gian chiếm phần rất lớn trong giá thịt bán lẻ. Nhưng tỷ lệ lợi nhuận chia cho mỗi tầng nấc trong hệ thống trung gian lại không lớn.

Thực tế này đã kéo dài suốt nhiều năm và cho đến hiện nay chưa thay đổi. Thịt lợn giá vẫn cao ở mức độ phi lý và Thủ tướng vẫn luôn bức xúc vì sự cao ấy đang phương hại tới quyền lợi người tiêu dùng. “Tội” giá cao – nếu có tội ấy – được đổ cho khâu trung gia là thương lái.

Kết luận ấy không sai, nhưng nó lại không phản ánh đúng thực tế, là thương lái, đầu cơ chỉ có thể hình thành nếu vai trò điều tiết của Nhà nước không có, hoặc có mà không hiệu quả. Và thực ra, nó cho thấy giá thịt lợn tăng giảm không phụ thuộc vào chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Tức là, muốn dẹp được hệ thống thương lái, thì vai trò điều tiết của các Bộ NN&PTNT và Công Thương cần có đột phá để nắm được kênh phân phối. Muốn thế, các bộ không thể chỉ dựa vào bộ máy quản lý với các mệnh lệnh hành chính - vì đây là phương án áp dụng từ hàng chục năm qua và đã thất bại.

Bắt buộc, các bộ phải dựa vào hệ thống các doanh nghiệp đầu mối có đủ khả năng đối trọng lại với hệ thống thương lái. Những doanh nghiệp đó đang dần hình thành, nhưng cơ chế để họ tăng tốc thì lại chưa có. Vậy thì các bộ phải “làm” thế nào?

Đó là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.

Quốc Dũng

BẢN DESKTOP