Y học và đời sống

Thuốc trị đau đầu chóng mặt do rối loạn tiền đình

  • Tác giả : GS.TS Dương Trọng Hiếu
(khoahocdoisong.vn) - Đông y có rất nhiều vị thuốc và bài thuốc để chữa chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…. Nếu biết rõ nguyên nhân chọn được cách chữa bệnh hiệu quả vừa an toàn vừa đỡ tốn kém.

Đổi tư thế dễ bị hoa mắt chóng mặt, có lúc đau đầu, buồn nôn… Đông y gọi đó là chứng đầu vựng. Nguyên nhân thường được các bác sĩ Tây y chẩn đoán là rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, có thể cao huyết áp, có thể huyết áp thấp, có thể do thoái hoá đốt sống cổ…nghĩa là nguyên nhân rất đa dạng. Đông y quy bệnh là do các bệnh ở các cơ quan, các bộ phận như:

- Tạng can đởm chủ sơ thiết, can tàng huyết, kinh can chạy từ chân lên đầu mắt. Đởm chủ trung chính giữ thăng bằng, không thăng bằng thì loạng choạng.

- Tạng thận: Thận chủ cốt, thận tàng tinh và nạp khí. Tinh sinh tuỷ, tuỷ sinh huyết, huyết thiếu thì hoa mắt chóng mặt. Khí không nạp xuống mà lại bốc lên gây đau đầu choáng váng.

- Tạng tỳ: Tỳ chủ vận hoá và ghét thấp. Khi công năng vận hoá rối loạn sẽ sinh đàm. Thấp tăng làm tỳ yếu. Đàm là sản vật gây chóng mặt hoa mắt, loạng choạng. Đàm tắc gây sưng đau nhiều nơi, đau đầu, ù tai, hoa mắt.

- Tạng tâm chủ huyết mạch. Tâm yếu huyết thiếu cũng dễ hoa mắt chóng mặt.

Như vậy để biết nguyên nhân, thầy thuốc Đông y cần khám tỷ mỉ để xem tạng nào gây nên triệu chứng này để phòng và chữa mới hiệu quả:

- Người có biểu hiện đầu choáng váng, miệng đắng, mắt đỏ, cảm giác căng đầu, dễ cáu gắt: Có thể dùng bài thuốc: Ích mẫu 12g, long đởm 10g, cam thảo 6g, thược dược 12g, sài hồ 12g, nhân trần 12g, đan bì 12g, sắc uống ngày 1 thang.

 - Nếu có thêm triệu chứng ù tai, cảm giác căng trong tai, miệng đắng có thể dùng bài thuốc: Chỉ xác 10g, chi tử 8g, cúc hoa 8g, sài hồ 12g, thương nhĩ 10g, hoàng cầm 12g, long đởm thảo 10g, thanh bì 8g, mạn kinh 10g, trúc nhự 10g, đại thanh diệp 12g, sắc uống.

- Nếu thêm phân táo, có thể dùng bài: Câu đằng 12g, sinh địa 12g, hoàng cầm 12g,đại hoàng 6g, chi tử 8g, ngưu tất 12g, bạch thược 12g, sắc uống.

- Nếu người bệnh choáng váng khi thay đổi tư thế, dễ ngã, tê tay chân, hoạt động chậm chạp, có thể dùng bài: Cúc hoa 8g, xuyên khung 12, thiên ma 12 , ngưu tất 12g, địa long 12g, đương quy 12g, địa cốt bì 10g , hạ khô thảo 12g, sắc uống.  Hoặc bài: Thạch quyết minh 20g, câu đằng 12g, đỗ trọng 16g,hạ khô thảo 10g,bạch thược 10g, đương quy 12g, hoàng cầm 12g, địa long 12g, xuyên khung 12g, tang ký sinh 10g, sắc uống.

- Nếu người bệnh cứ thay đổi tư thế chóng mặt hoa mắt, đau mỏi vùng lưng gối, rêu lưỡi vàng khô, tiểu ít, có thể dùng bài: Thục hoàng tinh 12g, thục địa 12g, hy thiêm 12g, hoài sơn 12g, đương quy 12g, đỗ  trọng 16g, hạ khô thảo 12g, sơn thù 8g, đan sâm 16g, sắc uống.

Hoặc bài: Kỷ tử 12g, đỗ trọng 16g, cúc hoa 8g, câu đằng 12g, bạch tật lê 10g, tang ký sinh 12g, đương quy 12g, bạch linh 12g, bạch thược 12g, bán hạ chế 12g, sắc uống. Hoặc bài: Sinh địa 12g, hoàng bá 10g, sơn dược 12g, tri mẫu 8g, bạch thược 12g, quy bản 16g, táo nhân 12g, phục thần 12g, thiên ma 12g, câu kỷ 12g, mạch môn 12g, sắc uống.

- Nếu người bệnh đau đầu choáng váng, ngại nói, tiếng nói và hơi thở yếu, hồi hộp, ăn ngủ kém, miệng khô, dễ ra mồ hôi. Hoặc cơ thể mệt mỏi, đau lạnh lưng, tiểu nhiều trong, có thể dùng bài: Cát lâm sâm 12g, hoàng kỳ 16g,mạch môn 12g, bạch truật 16g, thăng ma 10g, sơn dược 16g, sài hồ 10g, tân hội bì 10g, táo nhân 12g, đương quy 16g, sinh địa 12g, bán hạ 10g,phục thần 10g, sắc uống.

Hoặc bài: Sài hồ 10g, trích thảo 6g, hoàng kỳ 16g, lộc giác 10g, nhân sâm 12g, ngũ vị 8g, xuyên khung 12g, quế chi 10g, bạch truật 16g, kỷ tử 12g, sắc uống.

GS.TS Dương Trọng Hiếu (nguyên Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Y học cổ truyền T.Ư)

GS.TS Dương Trọng Hiếu

BẢN DESKTOP