Dữ liệu y khoa

Thuốc Nam ngừa sỏi thận

  • Tác giả : Lương y Thu Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Khi các chất thải trong nước tiểu không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể. Quá trình lắng đọng tiếp tục dẫn đến hình thành sỏi.

Sỏi đường tiết niệu là bệnh phổ biến ở nước ta và là một trong những nguyên nhân gây suy thận mạn tính. Theo số liệu thống kê tại các bệnh viện, có từ 25 - 30% bệnh nhân phải phẫu thuật vì mắc sỏi thận gây biến chứng viêm thận, bể thận. Tỷ lệ tái phát của sỏi thận rất cao, từ 10 - 50%. Qua nghiên cứu người ta cũng nhận thấy, những người dễ mắc sỏi thận thường là người uống ít nước, bị mất nước do các nguyên nhân khác nhau, thiểu niệu, tăng nồng độ canxi, oxalate, axit uric (bệnh nhân bị gút lâu ngày) hay giảm nồng độ citrate trong nước tiểu, bệnh nhân bị tắc niệu quản, tắc niệu đạo do bệnh lý hay di truyền, phụ nữ bị viêm nhiễm đường tiết niệu, người mắc bệnh khớp lâu ngày, viêm đại tràng...

Triệu chứng của sỏi thận là tiểu ra máu,  đái rắt, buồn nôn, đau buốt khi đi tiểu, đau khi chạm vào vùng thận, nhiễm trùng đường tiểu. Khi gặp những triệu chứng này người bệnh cần đến viện khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Để điều trị sỏi thận người ta thường phải mổ, tán sỏi ngoài cơ thể, uống thuốc làm tan sỏi và biện pháp uống thuốc được nhiều người sử dụng nhất.

Để phòng tránh sỏi thận, nhân dân ta hay dùng kim tiền thảo. Các nghiên cứu cho thấy, hợp chất saponin triterpenic trong kim tiền thảo có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi canxi-oxalat ở thận. Chất polysaccharid ức chế sự tăng trưởng của sỏi canxi-oxalat monohydrat. Kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, pha loãng dòng nước tiểu, làm ngưng sự gia tăng kích thước của hòn sỏi, đồng thời hòa tan sỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi di chuyển xuống dưới và tiểu tiện ra ngoài.

Theo các nghiên cứu, việc thiếu kali trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng lượng canxi thải ra, điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Ngược lại, nếu tăng kali trong khẩu phần ăn có thể giảm thiểu lượng canxi thải ra. Chuối hột chữa sỏi thận rất hiệu quả vì trong 1 quả chuối hột trung bình chứa 422mg kali. Dân gian hay dùng chuối hột xanh để cả vỏ, thái mỏng, phơi khô, sao vàng, hạ thổ, sau đó sắc với 3 bát nước còn 1 bát, lấy nước này uống lúc còn nóng, khi bụng no. Uống mỗi ngày 3 - 4 lần, mỗi lần 1 bát. Uống kiên trì khoảng 1 tháng nếu sỏi nhỏ sẽ tự tan ra và tống ra ngoài.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần tích cực điều trị bằng thực phẩm. Ăn cam, chanh, bưởi, quýt thường xuyên giúp đào thải sỏi khỏi cơ thể. Trong các loại trái cây này có chứa axit citric, một loại chất có vai trò quan trọng trong việc phá hủy và trục xuất sỏi ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, bánh mỳ đen, các loại rau cũng giúp bào mòn, tổng sỏi ra ngoài rất tốt.

Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)

Lương y Thu Hằng

BẢN DESKTOP