Y học và đời sống

Thuốc Đông y trị viêm khớp dạng thấp

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Viêm khớp dạng thấp với biểu hiện sưng khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên cần phải biết cách chữa trị đúng.

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mạn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài biểu hiện chính tại khớp, người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xanh, sốt, gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác. Bệnh thường gặp ở nữ (75%) lứa tuổi 30 đến 60.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh thường gặp nhất trong các bệnh khớp. Là bệnh mang tính xã hội vì tỷ lệ người mắc bệnh cao, bệnh thường kéo dài và đặc biệt là các di chứng có thể dẫn đến tàn phế. Hiện nay, bệnh được gọi là Viêm khớp dạng thấp để phân biệt với các bệnh khớp khác như Thấp khớp cấp, Viêm khớp mạn tính, Thấp khớp phản ứng…

Biểu hiện: Đa số trường hợp bắt đầu từ từ tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu cấp tính. Trước khi các dấu hiệu khớp xuất hiện bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, ra nhiều mồ hôi, rối loạn vậnh mạch.

Khi có các dấu hiệu lâm sàng nêu trên, người bệnh cần được gửi tới khám bác sĩ chuyên khoa Khớp càng sớm càng tốt. Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm và thăm dò cần thiết để chẩn đoán xác định, để đánh giá tình trạng bệnh, để tiên lượng bệnh và chọn lựa một chiến lược điều trị phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Để điều trị bệnh này, không nên phân biệt Đông y Trung Quốc hay Đông y Việt Nam, cũng không nên quá tin vào quảng cáo mà phải tìm đúng chuyên gia giỏi, có uy tín.

Theo y học cổ truyền, bệnh chia làm 2 thể:

Thể phong hàn thấp (gặp ở giai đoạn đầu của bệnh): Một hoặc nhiều khớp sưng đau. Tuy nhiên vùng sưng không nóng đỏ mà có thể mát, lạnh vào buổi sáng thường thấy cứng, nặng, tê hoặc khó cử động. Gặp tiết trời lạnh, bệnh nặng hơn, gặp nhiệt thì dễ chịu. Vì vậy, loại này thường thay đổi theo thời tiết. Có thể kèm sợ lạnh, tiêu lỏng, tiểu nhiều, nước tiểu trong. Lúc mới bị có thể kém sốt, ớn lạnh, không mồ hôi kèm đau trong khớp, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm huyền, Trầm kết.

Điều trị: Khu phong, trừ thấp, ôn kinh, tán hàn. Dùng bài Ôn kinh quyên tỳ thang gia giảm: Đương quy 20g, Quế chi, Dâm dương hoắc, Bán hạ đều 15g, Lộc hàm thảo, Xuyên ô, Thảo ô, Thổ miết trùng, Ô tiêu xà, Phòng phong đều 9g, Cam thảo 5g.

Thể phong thấp nhiệt (gặp ở giai đoạn cấp diễn): Khớp sưng, đau, nặng, khó cử động. Vùng bệnh sờ vào thấy nóng bỏng, đỏ. Gặp mát thì đỡ đau. Có thể kèm sốt, ra mồ hôi, sợ gió, khát nhưng đôi khi không thích uống, có thể bị nôn mửa, tiểu ít, nước tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Hoạt sác, hoặc Nhu sác.

Điều trị: Thanh nhiệt, trừ thấp, khu phong thông kinh lạc. Dùng bài Bạch hồ gia quế chi thang gia vị: Thạch cao 30g, Tri mẫu 9g, Chích thảo 3g, Ngạnh mễ 9 – 15g, Quế chi, Hoàng bá, Thương truật đều 9g, Nam tinh 6g.

Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trong ngày, sau bữa ăn.

LY Vũ Quốc Trung  (Hội Đông y Việt Nam)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP