Hỏi: Bố mẹ tôi đều bị bệnh đái tháo đường phải dùng thuốc hàng ngày nhưng không thấy đường huyết ạ. Xin hỏi, thuốc đái tháo đường nào là tốt nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2.
Nguyễn Thị An (Hà Nội)
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai: Chiến lược điều trị hiện nay cho người mắc bệnh đái tháo đường là hướng vào mục tiêu toàn diện dựa trên tầm quan trọng của việc kiểm soát chuyển hóa và quản lý tốt các yếu tố nguy cơ. Giảm glucose máu vừa là mục tiêu chính của kiểm soát chuyển hóa glucose, vừa là phương tiện quản lý yếu tố nguy cơ do tăng glucose gây ra trực tiếp hoặc gián tiếp.
Cải thiện kiểm soát glucose máu làm chậm sự khởi phát và giảm mức độ nặng của các biến chứng mạn tính do đái tháo đường, đặc biệt là các biến chứng vi mạch. Người ta thấy việc duy trì mức glucose máu bình thường có lợi không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
Có nhiều thuốc điều trị đái tháo đường typ 2, đứng đầu là metformin.
Nghiên cứu trên 503 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 đang điều trị metformin (48%)hoặc Metformin + SU (52%) mà HbA1C từ 7,5 – 12,2% được cho điều trị thêm thuốc (1) Pioglitazone hoặc (2) Sitagliptin hoặc (3) Canagliflozin trong mỗi 4 tháng rồi đổi cho nhau. Kết quả kiểm soát đường huyết theo các tiêu chí chọn thuốc là BMI hay eGFR (độ lọc cầu thận)là:
- BMI > 30: Pioglitazone làm giảm HbA1C nhiều hơn
- BMI < 30: Sitagliptin là giảm HbA1C nhiều hơn
- eGFR > 90 ml/ph: Canagliflozin làm giảm HbA1C nhiều hơn
- eGFR = 60 – 90 ml/ph: Sitaglitin làm giảm HbA1C nhiều hơn
Sự lựa chọn theo các thông số trên có thể làm giảm HbA1C chênh nhau 3 mmol/mol. Còn nếu chọn lựa thuốc điều trị không theo tiêu chí nào thì kết quả HbA1C là tương đương giữa 3 thuốc. Tỷ lệ không dung nạp thuốc khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa 3 thuốc (p = 0,052) nhưng Sitagliptin ít tác dụng phụ nhất và bệnh nhân điều trị Canagliflozin có cân nặng thấp nhất.