Khoa học & Công nghệ

Thuốc chống ung thư từ cây gừng gió

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Hoạt chất zerumbone trong cây gừng gió có thể hỗ trợ điều trị ung thư là nghiên cứu của PGS.TS Văn Ngọc Hướng, nguyên là Phó Giám đốc Xưởng sản xuất hóa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giống gừng có hoạt chất phòng ngừa ung thư

PGS.TS Văn Ngọc Hướng cho hay, hoạt chất zerumbone đã được các nhà khoa học trên thế giới phân lập từ cây gừng gió và xác định cấu trúc hóa học vào năm 1960. Đây là hoạt chất có hoạt tính phòng ngừa và chống nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư vú đã được các nhà khoa học trên thế giới công bố. Năm 2011, ông và cộng sự mới hoàn thành "Nghiên cứu quy trình chiết tách zerumbone từ cây gừng gió Việt Nam làm thuốc chống ung thư". Đây là đề tài cấp nhà nước mã số CNHD-ĐT.018/10-11, thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 của Bộ Công Thương.

Công việc bắt đầu từ việc xác định cây gừng gió ở Việt Nam và hàm lượng tinh dầu, zerumbone của nó. Trong một lần đưa sinh viên đi thực tập, khảo sát tại vùng Tam Đảo, PGS.TS Văn Ngọc Hướng kết hợp tìm hiểu, sưu tầm các bài thuốc gia truyền chống khối u của dân tộc Sán Dìu. Dưới sự chủ trì của PGS.TS Văn Ngọc Hướng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình phân lập zerumbone tinh khiết từ củ gừng gió vùng Tam Đảo với hiệu suất 0,35% và độ tinh khiết đạt 99,5%.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được công thức phân tử và công thức cấu tạo của zerumbone bằng máy sắc phổ; khảo sát hoạt tính chống ung thư in vitro (thí nghiệm trong ống nghiệm) của zerumbone phân lập với 3 dòng ung thư ở người là: ung thư gan - Hep2; ung thư phổi - Lu và ung thư cơ tim RD. Kết quả cho thấy, zerumbone có tác dụng chống lại sự phát triển của 3 dòng ung thư trên. Kết quả thử nghiệm in vitro là cơ sở để nhóm nghiên cứu tiếp tục thử hoạt tính chống ung thư in vivo (thử nghiệm trên động vật). Sau khi cấy ghép tế bào ung thư Sarcoma 180 trên 60 con chuột nhắt trắng nuôi trong 25 ngày. Kết quả là 30 chuột đối chứng nuôi không uống zerumbone chết 100%, 30 chuột uống 2mg zerumbone/kg còn sống khỏe mạnh 53,7%. Tỷ lệ phát triển khối u ở chuột điều trị zerumbone là 41,3% và 58,7% không phát triển khối u.

Không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu về sự ức chế tế bào ung thư của hoạt chất zerumbone, nhóm nghiên cứu còn phát hiện hoạt tính phòng ngừa tái phát ung thư của zerumbone bằng cách thử nghiệm trên chuột và cho kết quả khả quan.

Gừng gió Tam Đảo có nhiều hoạt chất nhất

PGS.TS Văn Ngọc Hướng tiến hành điều tra, khảo sát cây gừng gió ở các địa phương chọn giống và đất trồng phù hợp để gây giống phục vụ nghiên cứu. Sau thời gian dài phân tích chỉ số zerumbone trong cây gừng gió thu thập từ các địa phương, PGS.TS Văn Ngọc Hướng và cộng sự kết luận: Hàm lượng tinh dầu và zerumbone trong cây gừng gió trồng ở vùng Tam Đảo đạt 89,7%, cao nhất so với địa phương khác, thậm chí so với một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... Đồng thời, tuyển chọn được giống gừng gió theo hai tiêu chí sinh thái và hóa học để gieo trồng làm nguyên liệu sản xuất Zerumboner tại vùng Từ Sơn (Bắc Ninh).

PGS.TS Văn Ngọc Hướng đã đưa ra quy trình công nghệ và thiết kế dây chuyền sản xuất tinh dầu gừng gió và zerumbone quy mô 50kg tinh dầu/mẻ và 100g zerumbone/mẻ. Đặc biệt là xác định độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của zerumbone 98 - 99%. Độc tính cấp được tiến hành thí nghiệm trên chuột nhắt tiêu chuẩn, còn độc tính bán trường diễn được thí nghiệm trên thỏ. Kết quả cho thấy, zerumbone 98 - 99% không có độc tính cấp, độc tính bán trường diễn cũng như độc tính gen rất có triển vọng trong nghiên cứu thuốc chống ung thư. Đây là cơ sở để PGS.TS Văn Ngọc Hướng kết hợp với Công ty Dược phẩm Bắc Ninh bào chế thành công viên nang Zerumboner làm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư.

Thực phẩm chức năng Zerumboner đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường để hỗ trợ điều trị 4 loại ung thư (ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư máu) mà không cần qua thử nghiệm lâm sàng.

Hà Bình

BẢN DESKTOP