Dữ liệu y khoa

Thực phẩm giúp giữ ấm chân tay mùa lạnh

  • Tác giả : Lương y Xuân Ba
(khoahocdoisong.vn) - Mùa đông nhiều người nghĩ chân tay lạnh cũng là bình thường, nhưng thực chất, chân tay lạnh là do khí huyết không thông. Khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, các thành mạch co lại, khí huyết không được lưu thông dễ dàng có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch, do đó máu không đủ nuôi dưỡng tế bào, đặc biệt ở phần chân và tay.

Để giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân nên dùng các món ăn, thức uống có tính ấm để bồi bổ khí huyết. Những đồ có nhiều calo và chất béo sẽ là sự lựa chọn tốt trong mùa đông vì chúng cung cấp nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng giữ ấm cơ thể. Bổ sung nhiều loại thức ăn có chứa các loại vitamin nhóm B, vitamin C, E và các axit amin, vitamin và khoáng chất như ớt, cà chua, súp lơ giúp tăng cường lượng hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Khoai lang, khoai tây là thực phẩm sẵn có trong mùa đông đều chứa lượng lớn vitamin, protein và chất chống oxy hóa giúp cơ thể khỏe mạnh và chống lại bệnh tật. 2 loại khoai này giàu chất xơ, ít béo, ít calo giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa hiệu quả sự xâm nhập của các loại virut, vi khuẩn. Trong khoai nói chung, đặc biệt là khoai lang chứa một hàm lượng beta-carotene lớn, có tác dụng cản trở quá trình lão hóa của các tế bào, nhờ đó giúp phòng cảm lạnh và ngăn ngừa sự mất nhiệt của cơ thể. Bí ngô chứa nhiều canxi, vitamin C và kali trong khi ăn thực phẩm giàu kali có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. 

Vào mùa đông, một số người dễ cảm lạnh, để phòng căn bệnh này, nên ăn tăng thịt heo, gà, cá lóc và các loại thịt nạc động vật khác. Khi chế biến cho nhiều gừng, hành, tía rô và gia vị cay ấm phù hợp. Rau củ quả nên ăn kinh giới, rau mùi, thì là, tần ô, húng quế, cải cay, lá lốt, cần tây, cần ta, củ kiệu, hành, thì là, các loại rau thơm. Trái cây nên ăn như quít, táo, nho, dâu, mãng cầu, hồng xiêm... để chống cảm lạnh. Không nên ăn đồ sống, nguội, nên uống nước trà gừng, trà vối, vỏ quýt để giữ ấm cơ thể.

Về gia vị, có thể ăn tăng tỏi, chỉ cần 1 tép tỏi khi ra ngoài trời lạnh về giúp phòng tránh cảm lạnh, cảm cúm. Nếu không ăn được tỏi tươi thì cho tỏi vào các món ăn cần chế biến để tăng vị ngon và phòng bệnh hiệu quả. Tỏi có thể chữa được các loại bệnh phổ biến trong mùa lạnh như cảm lạnh, phòng cảm cúm. Gừng sinh nhiệt nên giúp giữ ấm cho cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường lưu thông máu.

Cùng với hỗ trợ dinh dưỡng, người có chân tay lạnh mỗi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân tay trong chậu nước muối hoặc nước gừng ấm từ 15 - 30 phút, ngâm xong nên lau khô chân tay, đi tất giữ ấm bàn chân để phòng tránh bệnh.

Lương y Xuân Ba (Hạ Đình, Hà Nội)

Lương y Xuân Ba

BẢN DESKTOP