Dữ liệu y khoa

Thực phẩm cho người cường giáp

  • Tác giả : Ths.Bs Mai Văn Sâm
(khoahocdoisong.vn) - Chế độ ăn uống có thể có ảnh hưởng đến các triệu chứng của cường giáp. Một số thực phẩm giúp cải thiện tình trạng bệnh trong khi những loại khác có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn, thậm chí còn ảnh hưởng tới thuốc đang điều trị.

Cường giáp là bệnh do nhiễm độc hormon tuyến giáp, là tình trạng tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormon. Nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp là bệnh basedow - một bệnh tự miễn dịch. Các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá mức bao gồm giảm cân không chủ ý, mạch nhanh, lo lắng, đổ mồ hôi, đi tiểu thường xuyên, khó ngủ và run tay chân, yếu cơ. Bệnh cường giáp phổ biến hơn ở phụ nữ. Qua theo dõi người ta thấy, thực phẩm có tác động quan trọng trong điều trị bệnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh cường giáp, nhưng việc bổ sung các loại thực phẩm tốt trong bữa ăn hằng ngày có thể sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormon tuyến giáp và chức năng của tuyến giáp. 

Những thực phẩm nên ăn                                                                        

- Thực phẩm có hàm lượng iod thấp: Người đang có kế hoạch điều trị iot phóng xạ cho bệnh cường giáp nên lựa chọn thực phẩm ít iot như lòng trắng trứng, rau xanh, các loại thảo mộc và gia vị, dầu thực vật, các loại hạt, soda và nước chanh, thịt bò, thịt gà, thịt bê, cừu, các loại trái cây.

- Rau cải: Một số loại rau họ cải có chứa các hợp chất làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp và có thể làm giảm sự hấp thu iot của tuyến giáp. Cả hai tác dụng này có thể có lợi cho người bệnh bị cường giáp. Tuy nhiên, bất cứ ai bị suy giáp (giảm chức năng tuyến giáp) nên tránh ăn các loại thực phẩm này. 

- Thực phẩm chứa selen: Selen là một vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần cho quá trình chuyển hóa hormon tuyến giáp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, selen có thể giúp cải thiện một số triệu chứng của bệnh tuyến giáp tự miễn. Trong số những người sử dụng thuốc kháng tuyến giáp tổng hợp như PTU, thyrozol, những người dùng bổ sung selen có thể đạt được mức tuyến giáp bình thường nhanh hơn so với những người không dùng. Thực phẩm giàu selen bao gồm cá ngừ, cá chim lớn, tôm, giăm bông, mì ống và ngũ cốc, thịt bò, gà, trứng, phô mai…

- Thực phẩm chứa sắt: Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với tuyến giáp. Người bệnh có thể duy trì một lượng sắt đầy đủ bằng cách ăn tăng ngũ cốc, nho khô, hàu, cá, đậu trắng, đậu đen, chocolate đen, thịt bò, gà, thịt lợn, đậu lăng, đậu hũ, cá mòi, đậu xanh.

- Thực phẩm chứa canxi và vitamin D

Hiện có mối liên quan giữa cường giáp kéo dài và giảm mật độ khoáng xương, có thể dẫn đến chứng loãng xương. Thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, kem, cá hồi đóng hộp, cá mòi, bông cải xanh, cam, đậu phụ, sữa đậu nành. Rất nhiều người bị cường giáp và thiếu vitamin D trong khi nguồn vitamin D chủ yếu có trong ánh nắng mặt trời, vì vậy nên tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào trước 9 giờ sáng. Ngoài ra có thể bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, cá ngừ, sữa, sữa đậu nành, ngũ cốc.

- Gia vị: Những gia vị tốt cho người cường giáp như nghệ, ớt xanh nên thêm vào món ăn vừa tốt cho sức khỏe, vừa kích thích vị giác.

Các thực phẩm cần tránh

- Thực phẩm giàu iod: Quá nhiều iot có thể làm cho bệnh cường giáp trầm trọng hơn. Người bệnh cường giáp nên tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu Iot, chẳng hạn như muối iot, động vật có vỏ, rong biển hoặc tảo bẹ, sản phẩm sữa bổ sung iot, lòng đỏ trứng, mật mía, đậu nành. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, ăn đậu nành có thể cản trở sự hấp thu iot phóng xạ trong điều trị cường giáp. Nguồn đậu nành bao gồm: Sữa đậu nành, xì dầu, đậu hũ, dầu đậu nành, gluten. Gluten là một loại protein trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch và lúa mạch đen.

-Caffeine: Caffeine có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng của cường giáp, bao gồm đánh trống ngực, run rẩy, lo lắng và mất ngủ. Người mắc bệnh cường giáp nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine bao gồm cà phê thường, trà đen, soda, nước tăng lực.

Người bệnh nên tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ kết hợp chế độ ăn uống khoa học.

ThS.BS Mai Văn Sâm (BV ĐH Y Hà Nội)

Ths.Bs Mai Văn Sâm

BẢN DESKTOP