Y học và đời sống

Thực hư quan niệm ăn gì bổ nấy

Nhiều người nghĩ ăn gì bổ nấy, nhất là các món nội tạng như tim, gan, cứ hễ ốm là nấu cháo để bổ sung. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên cáo, quan niệm này không đúng, thậm chí còn mang lại các tác hại hơn cho sức khỏe.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/quan-niem-an-gi-bo-nay-phan-khoa-hoc-hai-nhieu-hon-loi1.jpg

Sai lầm khi nghĩ ăn gì bổ nấy.

Phản khoa học, chỉ là cách nói động viên

BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Bệnh viện 103 cho hay, quan niệm ăn gì bổ nấy là một quan niệm lỗi thời, thiếu khoa học. Trước đây người ta nói cách này nhằm động viên người ốm ăn uống để bồi bổ cơ thể giúp thoát khỏi bệnh tật. Đây thực chất là một cách nói đùa chứ không có cơ sở về dinh dưỡng.

Trên thực tế, các thực phẩm như thịt cá đưa vào cơ thể nhằm bổ sung lượng protein cho cơ thể. Trong đó, protein chứa các axit amin mà cơ thể thiếu, không thể tự tổng hợp được. Kèm theo đó, các thực phẩm cũng cung cấp một lượng chất béo để xây dựng cơ thể. Các chất này sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa, chắt lọc và đưa vào máu, gan, thận…

Ví dụ, nhiều người khi bị suy tim, các bệnh liên quan đến tim thường nấu cháo tim, hấp tim. Khi bị suy thận, chạ thận, thận yếu thường ăn thận xào giá đỗ, thận hầm thuốc Bắc..

Khi bị xơ gan, viêm gan thì dùng gan lơn, gan gà nấu cháo, hầm như ăn những mong ăn gì bổ đấy. Nhưng thực chất tim, gan, thận không có nhiều chất đặc biệt, cũng không có các chất cần để bổ sung cho cấu thành của các cơ quan trong cơ thể ngoài thành phần protein. Trong đó khi ốm người ta ăn tim do đây là thực phẩm dễ ăn, dễ chế biến, kèm theo bổ máu chứ không hoàn toàn tốt cho tim mạch.

Nguy cơ mỡ hóa gan, tim mạch… 

Theo đó, BS Phạm Thái Nguyên cho rằng, cái lợi của quan niệm ăn gì bổ nấy không có nhưng cái hại lại rất nhiều. Đó là nhiều người nghĩ ăn có lợi nên ăn thường xuyên và nhiều một món, từ đó dẫn đến thừa một số axit amin có trong thực phẩm đó nhưng lại thiếu các axit amin ở thực phẩm khác cung cấp.

Hay nói cách khác, chế độ ăn không cân đối. Điều này dẫn đến thiếu hụt một số axit amin, vitamin, khoáng chất… dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch, cơ thể ngừng lớn, phát triển thể chất và tinh thần kém, rối loạn nhiều tuyến nội tiết như tuyến giáp, sinh dục.

Ví dụ như phụ nữ giai đoạn phát triển sẽ kinh nguyệt kém, ngực không phát triển tốt và đều… Thậm chí ăn trường diễn các thực phẩm này còn gây mỡ hóa gan, giảm nồng độ pretein trong máu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng…

Nhưng ở góc độ khác, các chất ăn vào quá nhiều có thể gây nên tình trạng thừa chất, năng lượng vượt quá nhu cầu khiến dạ dày phải làm việc quá sức có thể dẫn đến viêm, đau. Hay các chất béo thừa kéo theo các bệnh béo phì, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

Ví dụ, nếu ăn nhiều tim gây nên tình trạng protein cung cấp vượt so với nhu cầu cơ thể. Protein sẽ được chuyển thành lipit và dự trữ ở mô mỡ của cơ thể. Sử dụng thừa protein quá lâu có thể sẽ dẫn tới bệnh thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và tăng đào thải canxi. Đấy là chưa kể, tỷ lệ chất béo trong tim động vật tương đối cao sẽ làm tăng nguy cơ cao hơn trước sự chuyển hóa theo quy trình của cơ thể.

Do đó, không nên áp dụng quan niệm ăn gì bổ nấy. Thay vào đó, cần cân đối thực phẩm hợp lý, thường xuyên đổi món để bổ sung protein một cách đa dang, đóng góp vào sự chuyển hóa các chất đầy đủ, tránh quá thừa hoặc quá thiếu. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các thực phẩm như rau xanh, hoa quả, không chỉ có mỗi thịt cá.

Hay như nhiều người thực hiện chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển các bệnh khác như một số bệnh gan, vữa xơ động mạch, sâu răng, đái tháo đường, tăng huyết áp, giảm bớt sức đề kháng với viêm nhiễm…

Gần đây vai trò của yếu tố dinh dưỡng liên quan tới một số bệnh ung thư cũng được nhiều nghiên cứu quan tâm. Những bệnh dinh dưỡng điển hình ngày càng ít đi, trong khi đó tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng hoặc chất dinh dưỡng đơn lẻ với các triệu chứng âm thầm kín đáo còn xảy ra.

Hà Linh

BẢN DESKTOP