Dữ liệu y khoa

Thực hư ngâm khẩu trang muối tiêu diệt virus corona

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Alberta (Canada) cho biết các tinh thể muối có thể vô hiệu hóa virus sau 5 phút và tiêu diệt nó sau 30 phút. Đây mới là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên, dùng nước muối súc họng có tác dụng phòng bệnh trực tiếp.

Ngâm khẩu trang không có tác dụng trị bệnh

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết, đây mới là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Để ứng dụng thực tế cần phải có đánh giá thực nghiệm lâm sàng xem khả năng diệt virus cúm nói chung và virus cúm nCoV như thế nào mới được đưa vào sản xuất, ứng dụng. 

Thực tế, trong dịch bệnh này có rất nhiều các nghiên cứu được công bố nhưng hầu hết là đơn lẻ, chưa được nghiên cứu, đánh giá sâu nên chưa thể căn cứ vào đó mà áp dụng được.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân không nên nghe thấy tinh thế muối có khả năng diệt virus cúm mà dùng muối ngâm hay cho vào khẩu trang. Cách làm này chưa rõ tác dụng mà còn gây hỏng khẩu trang. Hơn nữa, ta cũng chưa thể rõ tinh thể muối ở đây là muối gì, được xử lý làm khô ra sao...

Trong giai đoạn hiện nay tốt nhất người dân nên dùng muối pha thành nước muối loãng để xúc miệng thường xuyên cũng là cách để sát trùng vùng họng.

Đồng quan điểm này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, Chủ nhiệm khoa Y dược - Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định, chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống virus nCoV theo các phương pháp dân gian như bôi dầu tràm, ngâm muối vào khẩu trang…Những kinh nghiệm dân gian này giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được virus corona. Do đó, những biện pháp hiện nay chỉ nhằm mục đích dự phòng. 

Muối có tác dụng chữa viêm họng rất tốt

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, khẩu trang muối có tác dụng diệt virus chưa được nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng nên chưa rõ thực hư. Tuy nhiên, từ xưa tới nay, muối ăn không chỉ là gia vị mà còn là một vị thuốc quý được dùng để chữa trị nhiều chứng bệnh, đặc biệt là bệnh lý về được hô hấp như ho, viêm họng...nên việc ứng dụng muối trong thời điểm này để hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh corona là rất quan trọng.

Dùng muối ăn pha với nước chín thành dung dịch có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là về mùa lạnh) nhằm mục đích làm giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến tại chỗ nhiều hơn. Để thuận tiện nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết. Chú ý không nên pha nước muối quá mặn vì với thành phần ưu trương sẽ làm khô niêm mạc miệng lại là tác nhân đẩy mạnh quá trình viêm.

 Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Ngồi dựa lưng vào thành ghế, cổ ngửa ra sau đến mức tối đa. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn. Sau khi đẩy hơi hết, ngồi lại tư thế bình thường, nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.

Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này. 

Khẩu trang muối có thể diệt virus corona sau 30 phút

Tờ Business Insider dẫn lời GS y sinh Hyo-Jick Choi của nhóm nghiên cứu cho biết, chất dịch nhầy mang theo virus corona bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, thở có thể bám trên bề mặt khẩu trang.  Trong một nghiên cứu, Choi và các cộng sự của mình đã nhận thấy tinh thể muối, với các góc cứng, sắc, nhọn, đã cắt xuyên qua virus, khiến chúng bị tiêu diệt.

Do đó, nhóm nghiên cứu của Choi đã thử nghiệm mặt nạ phủ muối trong phòng thí nghiệm trong vài năm qua và phát hiện ra rằng chúng có thể tiêu diệt ba chủng virus cúm. 

“Khi khẩu trang được tráng một lớp muối tinh luyện, các giọt nước chạm vào khẩu trang sẽ thấm vào muối. Khi dung dịch đó bốc hơi, trên bề mặt sẽ chỉ còn virus và tinh thể muối. Tinh thể này có thể diệt virus”, Giáo sư Choi nói.

Trong các thử nghiệm trước đó, virus  bị vô hiệu hóa sau 5 phút và bị tiêu diệt sau 30 phút.

Ý tưởng tráng muối lên khẩu trang xuất phát từ một dự án trước đó của nhóm nghiên cứu từ năm 2017, khi họ muốn tạo ra một loại văcxin. Cấu trúc tinh thể của dung dịch khi đó liên tục khiến cho hạt chứa virus bị phá vỡ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết thêm, việc tích hợp tinh thể muối vào khẩu trang hiện nay không khó. Tuy nhiên nhóm đang nghiên cứu để tìm ra hình dạng khẩu trang phù hợp nhất. Sản phẩm hoàn thiện sẽ phải mất khoảng 2 năm.

Một lợi thế của công nghệ này là hiệu quả nhưng không phức tạp, không tốn thêm nhiều chi phí vì muối rất rẻ.

Quốc Trọng (dịch)

Khẩu trang nào được coi như chất thải y tế?

Khẩu trang của người bệnh dương tính với virus corona nCoV 2019 được xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải y tế theo thông tư liên tịch giữa Số: 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT giữa Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với những trường hợp cách ly y tế tại nhà phòng chống lây nhiễm  virus corona (nCoV) cũng đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể như sau: Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly. Trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm. Hết thời gian cách ly, nếu người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì thu gom và xử lý như rác thải thông thường.

Với khẩu trang y tế người dân bình thường khỏe mạnh đeo được coi như rác thải thông thường. Khi sử dụng xong, người dân chỉ cần cho vào thùng đụng rác và được thu gom và xử lý như rác thải thông thường.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Thúy Nga

BẢN DESKTOP