Khám phá

Thực hư công nghệ tảo sống silic chữa da hết mụn

Với công nghệ tảo sống silic, chỉ sau 1 tuần trị liệu là đã biến một làn da mụn nhọt sần sùi trở nên nhẵn mịn không tì vết. Nhưng chính nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Đẹp da trong 1 tuần

“Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, công nghệ tảo sống Silic hứa hẹn sẽ là xu hướng làm đẹp cho ai muốn sỡ hữu làn da tươi sáng nuột nà không tì vết. Làm đẹp từ nguyên liệu thiên nhiên xưa nay vốn nổi tiếng mang lại hiệu quả lâu bền và tốt cho sức khỏe.

Công nghệ silic tảo sống có nguồn tảo được khai thác từ khu bảo tồn sinh vật Đức, mang đến chất lượng trị liệu tuyệt hảo, là một phương pháp làm trắng da và phục hồi da hư tổn hiệu quả chưa từng có trước đấy”, đây là những thông tin quảng cáo xuất hiện nhiều ở một số thẩm mỹ viện hiện nay.

Cũng theo lời quảng cáo thì công dụng của công nghệ Silic tảo sống sau khi đã được kiểm nghiệm và công bố có thể thấy là toàn diện nhất hiện nay. Thành phần silic của tảo cấu tạo cứng hơn đá hoa cương, có khả năng tiêu độc, giải trừ các tổn thương.

Do đó, silic tảo sống có khả năng tái tạo tế bào, loại bỏ hoàn toàn các dấu hiệu của làn da hư tổn như da sạm nám, không đều màu, mụn, lão hóa, lỗ chân lông to. Đặc biệt, công dụng nổi bật nhất của của silic tảo sống là mang đến cho bạn lànda trắng hồng mịn màng không tì vết. Làn da sẫm màu của bạn có thể trở nên trắng muốt và mịn màng đến không ngờ khi sử dụng công nghệ này.

Chị Trần Thu Hương, Thẩm mỹ viện Kiều Anh cho biết, đây là công nghệ khá phổ biến ở một số cơ sở thẩm mỹ. Thường khách hàng và cả cơ sở làm đẹp đều không hiểu tảo silic cụ thể là gì, chỉ thấy nói có tác dụng làm đẹp là sử dụng thôi.

Mập mờ, không có cơ sở

PGS.TS Dương Đức Tiến, chuyên gia về tảo, Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, tảo có hàng chục nghìn loài, có loại tốt, có loại gây độc hại cho con người. Tảo silic (SO2) cũng có hàng nghìn loài, gồm có tảo nước mặn và tảo nước ngọt.

Tảo silic nước mặn là thành phần chính của hệ sinh vật biển, ở Việt Nam cũng có rất nhiều. Tảo silic nước ngọt cũng không hiếm. Tảo silic biển là nguồn thức ăn chủ yếu cho sinh vật phù du biển, một số loài có dinh dưỡng giàu omega 3, có hàm lượng lipit cao, có thể làm dầu thực vật.

Ở nước ngọt, các vùng có lịch sử địa chất núi lửa trước đây thường có trầm tích tảo, người ta sử dụng để tắm hay đắp mặt chính là bùn.

“Quảng cáo công nghệ silic tảo sống là một từ rất chung chung, mập mờ, không chuẩn xác và không có yếu tố khoa học. Không nói rõ là loài tảo gì, mặn hay ngọt, tảo chiết xuất hay tảo sinh khối, vì nhiều khi lợi dụng quảng cáo mập mờ, người ta sử dụng tảo chiết xuất, quy trình chiết xuất đó thường là chất chết, không giống như thành phần của nguyên liệu ban đầu. Hơn nữa, tảo silic SO2 thường rất cứng, vỏ của chúng cứng hơn cả xi măng, làm thế nào để chiết xuất nó thành mỹ phẩm làm đẹp là việc rất khó”, PGS.TS Dương Đức Tiến cho biết.

Cũng theo PGS.TS Dương Đức Tiến thì từ trước đến giờ, mới chỉ có tảo xoắn spirula được coi là tảo có chức năng làm đẹp. Chưa có một chứng minh khoa học nào về tác dụng làm đẹp của các loài tảo khác. Nếu không may nguồn tảo làm nguyên liệu là tảo độc thì hại khôn lường, thậm chí có thể mất mạng.

“Ở các bể nước, thi thoảng thấy trên bề mặt nổi váng, đấy chính là tảo silic. Ở dưới nước thì chúng thường bám vào các bề mặt cây. Dù một số loài có giá trị dinh dưỡng, nhưng chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy tảo silic có khả năng làm đẹp cả”, PGS.TS Dương Đức Tiến.

Bảo Khánh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP