Y học và đời sống

Thực hiện thành công ca lóc tách thành động mạch chủ ngực cấp tính phức tạp

  • Tác giả : Thúy Nga/ TT&CS
Tách thành động mạch chủ cấp là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao 1-2% mỗi giờ trong 24 giờ đầu nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Nguy cơ tử vong cận kề

Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, nhờ sự phối hợp giữa khoa Nội Tim mạch và Khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, các bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống ngoạn mục một trường hợp bị lóc tách động mạch chủ ngực cấp tính, phức tạp đe dọa tính mạng người bệnh.

Đây là một trong những tình trạng cấp cứu cực kỳ nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời.

Bệnh nhân H.V.T (47 tuổi), có tiền sử tăng huyết áp không kiểm soát, nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy dấu hiệu huyết áp chênh lệch rõ rệt giữa hai tay (tay phải 200/110 mmHg, tay trái 160/90 mmHg) nghi ngờ lóc tách động mạch chủ ngực.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định chụp MSCT mạch máu, kết quả: lóc tách động mạch chủ ngực cấp tính lan xuống động mạch chủ bụng, nguy cơ vỡ động mạch và tử vong bất cứ lúc nào. Thật không may cho người bệnh vì giải phẫu vị trí lóc tách ngay sát động mạch dưới đòn trái, không đủ vị trí để đặt Stent Graft.

Trước tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch và khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp để đưa ra phương án điều trị cho người bệnh. Phương án tối ưu nhất được lựa chọn là phẫu thuật nối động mạch cảnh – cảnh, động mạch cảnh – dưới đòn trái để mở rộng vị trí đặt Stent Graft sau đấy sẽ tiến hành đặt Stent Graft.

Chỉ trong vòng 1 giờ sau hội chẩn, ê-kíp phẫu thuật mạch máu đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch thành công.

Ngay sau đó, Stent Graft đã được các bác sĩ can thiệp cẩn thận đặt từ ngay phía sau động mạch thân cánh tay đầu xuống động mạch chủ ngực giữ cho động mạch chủ không bị lóc tách, đồng thời nhờ phẫu thuật bắc cầu nối từ trước tưới máu não vẫn được đảm bảo một cách đầy đủ, chỉ cần một vết rạch 2 cm ở vị trí đùi phải, tránh cho bệnh nhân được một cuộc phẫu thuật mở ngực vô cùng nguy hiểm. Sau can thiệp bệnh nhân phục hồi tốt và xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Theo TS.BS Lê Thế Anh, Trưởng khoa Tim mạch cho biết, tách thành động mạch chủ cấp là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong rất cao 1-2% mỗi giờ trong 24 giờ đầu nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

“Trước đây, các kỹ thuật khó, phức tạp như thế này chỉ có thể thực hiện tại một số bệnh viện tuyến trung ương. Thành công của ca bệnh này là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành vượt bậc trong chuyên môn, đồng thời thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa của bệnh viện”, TS.BS. Lê Thế Anh chia sẻ.

Thăm khám cho người bệnh sau sau can thiệp - Ảnh BVCC

Thăm khám cho người bệnh sau sau can thiệp - Ảnh BVCC

Phát hiện sớm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể phòng và điều trị tốt

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, lóc động mạch chủ cấp tính là bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khoẻ mạnh nhưng ít người biết. Mỗi tháng bệnh viện phải mổ cấp cứu cho hơn 10 ca với độ tuổi trung bình chưa đến 50.

Để tránh tình trạng lóc tách động mạch chủ, những người có yếu tố nguy cơ cao như: Tuổi trên 60, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người phình động mạch chủ, cảm giác mạch đập gần rốn, đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng… thì nên thường xuyên thăm khám để phát hiện bệnh kịp thời tránh để động mạch chủ phình bị lóc tách hoặc vỡ gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, hoàn toàn có thể phòng và điều trị tốt loại bệnh đặc biệt phức tạp này.

Bệnh liên quan chủ yếu tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, hút thuốc lá, thuốc lào, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu, hội chứng Marfan (rối loạn cấu tạo thành động mạch chủ), do gen di truyền, nhiễm trùng (thường là giang mai) và chấn thương.

Triệu chứng khởi phát thường là đau ngực dữ dội, lan ra sau lưng hoặc lên cổ. Một số ít biểu hiện đau bụng. Có những bệnh nhân biểu hiện như bị đột quỵ do tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim.

Các biến chứng nguy hiểm nhất của lóc tách động mạch chủ là vỡ vào khoang màng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, suy đa tạng. Biểu hiện của các bệnh nhân khi có các biến chứng này là khó thở dữ dội, lơ mơ, mất ý thức, nhịp tim và huyết áp không đo được và cuối cùng là tử vong nhanh chóng.

Cách phòng bệnh:

– Loại bỏ các thói quen sinh hoạt có hại: Hút thuốc lá, thuốc lào.

– Kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.

– Hạn chế bia, rượu.

– Tất cả các bệnh nhân lóc động mạch chủ, dù chưa được can thiệp, phẫu thuật hoặc đã can thiệp, phẫu thuật đều phải đi khám kiểm tra định kỳ theo hẹn.

– Khám sàng lọc cho người thân của những người bệnh đã được bác sĩ kết luận là bệnh động mạch chủ di truyền.

- Khi được cơ sở tuyến dưới chẩn đoán lóc tách động mạch chủ cần được chuyển đến bệnh viện có khả năng điều trị thực sự, tránh chuyển qua nhiều tuyến sẽ mất cơ hội của bệnh nhân.

Thúy Nga/ TT&CS

BẢN DESKTOP