Dữ liệu y khoa

Thực dưỡng trị đau dạ dày

  • Tác giả : LY. Tiến Văn
(khoahocdoisong.vn) - Đau dạ dày trong Đông y được xếp vào chứng vị quản thống. Hiện có rất nhiều phương pháp phòng và điều trị khác nhau như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc thực dưỡng để quý độc giả tham khảo khi cần thiết.

Cháo sa nhân: Gạo lứt tẻ hoặc nếp 200 – 300g, bột sa nhân 10g. Gạo vo sạch đem ninh nhừ. Khi cháo chín múc ra chế bột sa nhân vào ăn nóng 2 – 3 lần/ ngày, ăn khi đói bụng.  Nếu không có sa nhân thì có thể thay bằng tiêu bắc hoặc ngô thù du đồng lượng.

Cháo can khương (gừng khô): Gạo tẻ 100 – 200g, bột can khương 10g, cao lương khương (riềng) 10g. Đem riềng sắc đặc lấy nước, nấu cháo, cháo chín chế bột gừng vào ăn nóng ngày 2 – 3 lần khi đói bụng.

Bài thuốc thích dụng cho người đau dạ dày do bệnh tà phạm vị, bệnh thường phát vào mùa lạnh hoặc khi ăn đồ sống lạnh, đau bụng thành cơn, sợ lạnh, thích ăn đồ ấm nóng, thích chườm nóng, chườm nóng đỡ đau rêu lưỡi trắng, mạch khẩn.

Gạo tẻ lứt – mai mực: Mai mực bỏ vỏ cứng, tán mịn 50g, gạo tẻ lứt rang chín thật kỹ tán mịn 50g,  cà độc dược phơi sấy tán mịn 40g.  Trộn chung các nguyên liệu, lấy mật ong làm hồ viên bằng hạt ngô, dùng bột mai mực làm áo bên ngoài, mỗi lần dùng 4-6g, ngày dùng 2 lần, uống lúc đói bụng trước ăn 30 phút – 1 giờ.

Hoặc phật thủ 15g rửa sạch thái vụn,  trà dùng 20g hãm với nước sôi trong bình kín, thêm chút đường phèn uống thay trà trong ngày.

Bài thuốc thích dụng cho bệnh nhân đau dạ dày thể can khí phạm vị, vùng thượng vị đau trướng, lan ra hai bên mạng sườn, không thích xoa nắn, nếu ấn vào thì đau tăng. Bệnh nhân buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, ăn khó tiêu; đại tiện bí, tinh thần uất ức, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền.

Dạ dày lợn, hạt sen, hoài sơn hầm: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen bỏ tâm 50g, hoài sơn 30g,  gia vị và dầu thực vật vừa đủ. Dạ dày làm sạch rồi cho hạt sen, hoài  sơn vào trong khâu kín, hầm nhừ, đem ăn nóng khi đói bụng, ngày 1 – 2 lần, 15 – 20 ngày là một liệu trình.

Hoặc màng mề gà 50g, vỏ quýt 50g, sa nhân 10g,  tất cả sao vàng tán mịn, trộn đều mỗi ngày dùng 10g lúc đói bụng, lấy mật ong để chiêu thuốc. Dùng liên tục 1 – 2 tháng. Hai bài thuốc trên thích hợp dùng cho bệnh nhân đau dạ dày thể tỳ vị hư hàn, đau vùng thượng vị, đau âm ỉ suốt ngày, thích chườm nóng và xoa nắn, có cảm giác lạnh bụng, đầy hơi, ăn kém, chậm tiêu, buồn nôn hoặc nôn ra nước trong, gầy sút mệt mỏi, da niêm mạc nhợt, đại tiện lỏng nát, tay chân lạnh, lưỡi nhợt bệu, mạch trầm tế.

Mạch nha, sơn tra, thần khúc: Thần khúc 20g đập vụn,  mạch nha 15g, sơn tra 30g sắc kỹ lấy nước uống thay nước trong ngày.

Hoặc cháo thần khúc, kê nội kim: Gạo tẻ 100 – 200g, thần khúc 20g, kê nội kim sao vàng tán nhỏ 30g. Thần khúc đập vụn ninh lấy nước cho gạo đã vo sạch đem ninh cháo. Cháo chín cho kê nội kim và nêm gia vị đủ dùng, đem ăn nóng khi đói bụng ngày ăn 2 – 3 lần. Ăn đến khi hết bệnh. Bài thuốc trên trị chứng đau dạ dày do nguyên nhân ăn uống thái quá – thức ăn đình trệ lâu ngày gây nên, dẫn đến vùng thượng vị đầy trướng, tức, nặng khó chịu, ợ hôi, nuốt chua, nôn ra thức ăn chưa tiêu, nôn được thì bụng đỡ đau, đại tiện bí, rêu lưỡi dày, cáu bẩn.

Chú ý: Để bệnh dạ dày ổn định không tái phát, ngoài việc điều trị bằng thuốc và các biện pháp khác, người bệnh cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó cần chú ý đến các món ăn hỗ trợ cho quá trình làm giảm triệu chứng của bệnh, nhất là với việc làm giảm các cơn đau.  Cần ăn các nhóm thực phẩm giàu chất xơ, mềm, dễ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho dạ dày, nhóm thực phẩm giảm tiết dịch vị nhằm giảm tình trạng xuất huyết...Ngoài ra không nên ăn quá no, không để quá đói, ăn xong không đi nằm ngay, khi  bị trào ngược dịch vị dạ dày thực quản đi ngủ nên nằm nghiêng trái, không uống rượu bia.

Lương y Tiến Văn (Hội Đông y Vĩnh Phúc)

LY. Tiến Văn

BẢN DESKTOP