Khoa học & Công nghệ

Thức ăn từ bèo tây dễ nhiễm độc

Bèo tây là loại cây phù hợp sống trong môi trường nước ô nhiễm. Ở những vùng nước quá ô nhiễm, bèo tây còn giúp làm sạch nước. Do sống trong môi trường như vậy, bèo tây dễ hấp thụ các chất bẩn, độc hại có trong môi trường nước. Sử dụng bèo tây làm thực phẩm sẽ có nguy cơ bị nhiễm các chất độc này.

Cẩn trọng khi dùng bèo tây làm thực phẩm.

Đặc sản bèo tây

Bèo tây, hay còn gọi là lục bình có nhiều ở các vùng quê, nó vốn được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn… nhưng gần đây tại Hà Nội, bèo tây lại trở thành đặc sản, thành món ăn sang khó kiếm. Nấu canh bèo tây, làm nộm bèo hay xào bèo với thịt, bò, tôm… thành đặc sản. Trong thực đơn trong nhiều nhà hàng, món bèo tây bỗng dưng trở thành đặc sản.

Những ngó bèo tây thu hoạch được sẽ cắt ra từng khúc dài độ 10cm, rửa sạch với nước muối pha loảng, xong bóp cho ráo nước, cần ngâm với 1 chút phèn và nước cốt chanh để không bị sẫm màu và tạo độ giòn cho món ăn. Không ít bà nội trợ đã tìm cách “săn lùng” bằng được bèo tây làm thực phẩm với suy nghĩ, bèo tây thì không thể có thuốc trừ sâu hay chất bảo quản, kích thích.

PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, bèo tây cũng giống như các loại rau khác, có thể sử dụng làm thực phẩm cho người, gia súc.

Trước đây thì bèo tây là thức ăn chính của gia súc do dễ kiếm, phát triển nhanh ở mọi lúc, mọi nơi có kênh rạch, sông ngòi. Gần đây người ta cũng có xu hướng sử dụng bèo tây làm thực phẩm.

Bản thân bèo tây thì không có vấn đề gì, có thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng bèo tây sống ở đâu, điều kiện môi trường thế nào lại rất quan trọng, quyết định độ an toàn của chúng. Bèo tây phù hợp sống ở những vùng nước ô nhiễm.

Nước càng ô nhiễm thì bèo tây càng phát triển nhanh. Và đương nhiên khi sống ở môi trường này, bèo tây cũng nhiễm độc từ môi trường nước, đặc biệt là nhiễm độc kim loại nặng.

“Lý do là cây bèo sẽ hút kim loại nặng cộng với những chất khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo đó nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.

Cây bèo tây cũng giống như một số cây thích hợp sống trong môi trường nước, khả năng nhiễm độc từ các chất có trong môi trường ô nhiễm là rất cao”, PGS.TS Trần Hợp nhận định.

“Lục bình là loại thực vật có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của thảm thực vật: 2 – 5m/ngày. Ngoài xử lý nước thải, làm phân bón, thức ăn cho gia súc, xơ lục bình được thu hoạch rồi luộc, phơi khô và bện thành dây quấn quanh thân tre trúc để làm nguyên liệu chính trong việc sản xuất hàng mỹ nghệ, bàn ghế có chất lượng tốt”.

PGS.TS Trần Hợp

Loại trừ khả năng nhiễm độc

PGS.TS Trần Hợp cho biết, ở Việt Nam, bèo tây có xuất xứ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam khoảng năm 1905. Đây là một loại bèo trồng chỗ nào cũng được, miễn là nơi ẩm ướt, nước ao tù vì loại cây này có đặc trưng là phát triển nhanh.

Theo các nghiên cứu thì bèo tây có khả năng hút các chất kim loại nặng và phân giải xyanua rất mạnh, nên phần lớn chất cặn bã và mùi hôi có trong chất thải sinh hoạt được bèo tây xử lý. Ở cây bèo tây, các kim loại nặng có xu hướng tích lũy trong thân lá cao hơn trong rễ.

Do đó, người ta thường trồng bèo tây ở các bể chứa nước thải để vừa xử lý nước, vừa có nguồn thức ăn cho gia súc. Và do thân bèo tây là nơi tích tụ chất độc nhiều nhất, nên khi sử dụng làm thực phẩm phải cẩn trọng.

Để loại trừ khả năng nhiễm độc, theo lời khuyên của PGS.TS Trần Hợp, tốt nhất là chọn bèo tây ở những khu vực nước sạch, có dòng chảy. Tuyệt đối không ăn bèo tây ở những khu nước tù đọng, nước thải, dù rau có xanh non đến thế nào.

Trường hợp không đảm bảo được về nguồn gốc môi trường sống của bèo tây thì tuyệt đối không ăn. Bằng mắt thường hoặc bằng việc nếm thử, không thể nhận biết được bèo tây có bị nhiễm độc từ nguồn nước thải hay không. Khi làm món ăn thì nên sơ chế kỹ, ngâm nước muối trước khi chế biến.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP