Dinh dưỡng học đường

Thức ăn nhanh và tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng

  • Tác giả : Khánh Thủy
Trẻ em Việt Nam đang tiêu thụ quá mức các thực phẩm được chế biến sẵn (chứa nhiều đường, muối và chất béo), các thực phẩm không lành mạnh bao gồm nước ngọt và thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn không ăn đủ trái cây, rau quả có chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất, thiếu vận động… là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng.

Tại nhiều hội thảo do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức, các chuyên gia cho biết, thói quen ăn uống không lành mạnh, trong đó có xu hướng ngày càng phổ biến là tình trạng tiêu thụ đồ ăn nhanh, điều này khó tránh ở xã hội đang có tốc độ phát triển và hòa nhập nhanh như Việt Nam.

Theo ông Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xu hướng tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh trong giới trẻ rất phổ biến. Dù biết rằng thức ăn nhanh rất nghèo chất dinh dưỡng, nhiều năng lượng, chất béo trung tính, cholesterol và các chất gây nghiện thực phẩm, không an toàn khi tiêu dùng, có hại cho môi trường nhưng vẫn được sử dụng bởi thức ăn nhanh được bán trong các cửa hàng sạch sẽ, dịch vụ nhanh chóng. Bánh mỳ Việt Nam, đồ ăn nhanh phương Tây và mì gói là những thức ăn nhanh phổ biến nhất trong giới trẻ hiện nay. Các quảng cáo, truyền thông trên tivi, cửa hàng trực tuyến, các chuyến thăm siêu thị là những nguồn thông tin phổ biến nhất để những người tham gia biết về thức ăn nhanh. Mua hàng trực tuyến đã phổ biến và thuận tiện cho người dân đặt hàng, ngay cả ở các vùng nông thôn nên thức ăn nhanh hiện diện khắp mọi nơi.

Để góp phần hạn chế những mặt trái của xu hướng tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh nói trên, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp can thiệp tổng thể về thượng tầng của kinh doanh và sản xuất thức ăn nhanh như ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định và tiêu chuẩn dinh dưỡng, ví dụ như gán nhãn thực phẩm và nhãn dinh dưỡng, hay việc thực thi các chính sách vĩ mô về đánh thuế một số mặt hàng như nước ngọt có ga/đường, thức ăn nhanh; hay các chính sách tập trung vào cải thiện môi trường bán lẻ thân thiện với sức khỏe con người, quảng cáo thực phẩm và tập trung trong trường học, thì các giải pháp về truyền thông giáo dục dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng là cần thiết. Cần định nghĩa rõ ràng về thức ăn nhanh trong xã hội Việt Nam để thực hiện tốt hơn các chương trình giáo dục và truyền thông về tần suất tiêu thụ thức ăn nhanh/ thực phẩm chế biến phù hợp.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP