Y học và đời sống

Thức ăn chế biến sẵn gây ung thư? Kỳ 3: Dinh dưỡng hợp lý phòng được ung thư

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Trên 35% các loại ung thư liên quan đến chế độ ăn. Việc tuân theo hướng dẫn về dinh dưỡng có thể phòng được ung thư.

3 giải pháp chính giải quyết vấn đề dinh dưỡng liên quan đến ung thư

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết, khẩu phần ăn cân đối rất quan trọng đối với cơ thể. Các nghiên cứu đã chứng minh được được chế độ ăn có liên quan tới trên 35% các loại ung thư. Việc tuân theo hướng dẫn về sinh dưỡng có thể phòng được ung thư. Khẩu phần ăn giàu chất béo, ít chất xơ và catbondydrat làm tăng nguy cơ ung thư.

Có 3 giải pháp chính để giải quyết những vấn đề dinh dưỡng liên quan đến ung thư là: Duy trì cân nặng lý tưởng, thực hành dinh dưỡng hợp lý và chọn thực phẩm phù hợp.

Duy trì cân nặng: một người được coi là thừa cân nếu như người đó tăng trên 10% cân nặng lý tưởng. Béo phì xảy ra khi cân nặng tặng quá 20% cân nặng lý tưởng. Béo phì gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy quá cân hay thừa cân và béo phì gây tăng nguy cơ nhiều loại ung thư. Các nghiên cứu chứng minh lượng mỡ cơ thể tăng lên là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư đại trực tràng, thực quản (loại ung thư biểu mô tuyến), nội mạc tử cung, tụy, thận và vú (sau mãn kinh).

Vì vậy, để phòng tránh ung thư cần đảm bảo trọng lượng cơ thể trong suốt thời kỳ thiếu niên, vị thành niên tiến tới giới hạn thấp hơn của giới hạn BMI bình thường khi 21 tuổi. Duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường từ khi 21 tuổi. Tránh tăng cân và tăng vòng eo từ khi trưởng thành. Tuy nhiên, theo GS.TS Thuấn nếu đã béo phì muốn duy trì cân nặng mong muốn cần phải đặt ra mục tiêu cho phù hợp.

Thực tế có nhiều chế độ ăn khác nhau cho người thừa cân béo phì nhưng không phải tất cả các khẩu phần này đều an toàn. Giảm cân nặng phải hợp lý và không làm hại tới sức khỏe. Đừng cố giảm cân nặng quá nhanh. Nên thay đổi chế độ ăn uống từ từ, việc giảm cân nặng sẽ dễ dàng thành công hơn...

Về thực hành dinh dưỡng hợp lý, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam  các nhà khoa học  đã đưa ra lời khuyên về  chế độ ăn giảm thiểu nguy cơ ung thư là: Ăn nhiều rau và hoa quả tươi: chú ý rau quả ăn hàng ngày phải tươi và càng đậm màu càng tốt (màu xanh đậm của rau, đỏ thẫm của cà chua, cà rốt...). Nên ăn rau quả tươi hoặc luộc xơ qua, hạn chế xào rán. Rau, đậu nếu được hấp và luộc chín sẽ giảm đáng kể hàm lượng vitamin và các chất cần thiết. Trái cây và rau xanh là những hợp chất hóa học phức tạp và có chứa nhiều loại chất sinh hóa có thể góp phần giảm nguy cơ ung thư.

Cơm, bánh mỳ và các loại ngũ cốc khác nên nấu từ loại gạo sát không quá kỹ, bánh mỳ làm từ hạt lúa mỳ chưa rây, bánh mỳ đen càng tốt. Giảm chất béo, ăn thịt, cá nạc là chính. Không nên ăn và xào rán thức ăn bằng mỡ động vật. Nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật nhưng cũng nên hạn chế càng ít càng tốt và cần chú ý khẩu phần ăn không quá 300mg cholesterol/ngày. Dùng ít thức ăn ướp mặn, các thức ăn bảo quản lâu bằng cách hun khói, ướp muối, ngâm dấm đều không tốt cho cơ thể. Hạn chế uống rượu.

Chọn thực phẩm phù hợp

GS.TS Trần Văn Thuấn chia sẻ, chọn thực phẩm đúng là yếu tố bảo đảm cho duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện đúng theo hướng dẫn dinh dưỡng. Đọc nhãn thực phẩm là một thực hành quan trọng khi lựa chọn thực phẩm. Nhãn thực phẩm cung cấp thông tin để đánh giá thực phẩm như: số lượng các chất dinh dưỡng, thành phần của thực phẩm, các chất phụ gia.

Các bằng chứng chỉ ra thức ăn và chế độ ăn có nhiều năng lượng, đặc biệt là đồ ăn chế biến sẵn và đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và dẫn tới ung thư. Một số thức ăn có năng lượng thấp, cụ thể như rau quả và các thực phẩm chất xơ có thể bảo vệ chống lại một số loại ung thư. Vì vậy, để chọn đúng loại phù hợp khi đi mua thực phẩm cần đọc thành phần.

Chú ý rằng thành phần các chất trong thực phẩm được sắp xếp theo thứ tự từ chất có trọng lượng cao đến chất có trọng lượng thấp. Cũng cần làm quen với tên khác nhau của các thành phần có trong thực phẩm. Ví dụ như trên nhãn không có đường nhưng thực ra lại có đường dưới một cái tên khác như “ mật”. Nếu chúng ta phải hạn chế ăn một thành phần nào đó thì cần phải kiểm tra danh sách các thành phần này trước tiên. Vì dụ một người bị dị ứng với một chất nào đó thì phải kiểm tra xem trong thực phẩm có chất đó không.

Kiểm tra số lượng “Serving” (khối lượng ăn trong 1 lần) trong 1 bao/gói/hộp. Kiểm tra lượng calo trên một “Serving”. Cần nhớ rằng lượng calo khuyến nghị rất khác nhau tùy thuộc vào tuổi, giới, cân nặng, tốc độ chuyển hóa, hoạt động thể lực của mỗi người. Tuổi trẻ cần năng lượng cao hơn người già. Nếu lượng calo trong thực phẩm đó cao mà bạn đang cần giảm cân thì nên chọn loại thực phẩm khác.

Cần xem kỹ tỷ lệ phần trăm một chất dinh dưỡng so với nhu cầu/ngày. Kiểm tra tỷ lệ phần trăm so với nhu cầu/ngày đối với một số chất dinh dưỡng quan trọng như chất xơ, sắt, canxi, các vitamin. Từ đó đưa ra kết luận loại thực phẩm đó có phải là loại có giàu các chất dinh dưỡng mà bạn cần không. Đồng thời cũng cần kiểm tra tỷ lệ phần trăm các chất dinh dưỡng mà bạn cần hạn chế như chất béo no, cholesterol ở trong thực phẩm. Nếu loại thực phẩm này có nhiều chất trên thì phải tránh không dùng. Đọc kỹ bất kỳ sự mô tả nào về sức khỏe có trên nhãn thực phẩm để lựa chọn. Ví dụ nếu trên nhãn có ghi “giàu canxi” điều này cho biết thực phẩm có thể giúp phòng bệnh loãng xương.

 Chất phụ gia thực phẩm, một số phương pháp bảo quản, xử lý, chế biến thực phẩm ảnh hưởng đến nguy cơ gây ung thư. Bằng chứng mạnh mẽ liên quan đến thịt đã chế biến, bảo quản bằng cách ướp muối, hun khói, ngâm muối, thêm hóa chất và các phương pháp khác có thể gây ung thư. Vì vậy, cần chú ý các chất phụ gia là các chất hóa học được cho thêm vào thức ăn để bảo quản thực phẩm tạo màu, mùi..., chất phụ gia được sử dụng để tránh thực phẩm bị ôi thiu, giữ màu tự nhiên...gọi là chất bảo quản. Chất nở làm các thực phẩm nướng phồng to. Chất keo (sữa) giữ chất béo không bám dính vào các thành phần khác của thực phẩm...Thường thì khi thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn thì một số vitamin và chất khoáng bị hao hụt. Nếu thực phẩm được tăng cường các chất đã thiếu hụt do chế biến thì thực phẩm đó được gọi là thực phẩm đã tăng cường chất dinh dưỡng.

Chú ý xem thực phẩm có tươi không. Nhiều loại thực phẩm, ví dụ như đồ hộp có hạn sử dụng ở đáy hộp. Hạn sử dụng cho biết thời gian mà thực phẩm đó không thể sử dụng được. Mua thực phẩm giảm giá có thể không phải là tiết kiệm tiền nếu như nó đã quá hạn sử dụng...

 “Các khuyến nghị về dinh dưỡng, thực phẩm trong phòng chống ung thư đã chỉ ra rằng: Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn bình thường; Hoạt động thể lực hàng ngày nên có cuộc sống năng động; Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều năng lượng, tránh đồ uống có cồn; Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật; Hạn chế lượng thịt đỏ và tránh thịt chế biến sẵn; Hạn chế đồ uống có cồn; Hạn chế lượng muối tiêu thụ, tránh các loại ngũ cốc và các loại đậu đỗ mọc mầm; Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bằng chế độ ăn chứ không ưu tiên dùng thực phẩm bổ sung; Nuôi con bằng sữa mẹ...” GS.TS Trần Văn Thuấn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP