Địa ốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Liệu giá BĐS đã phù hợp với thu nhập?

  • Tác giả : Hải Ninh
“...Phải tìm điểm cân bằng giữa cung cầu, cần phân tích liệu giá BĐS đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?”, Thủ tướng nói.
Sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hai Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP HCM, các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…
Thu tuong Pham Minh Chinh: Lieu gia BDS da phu hop voi thu nhap?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị

Phải tìm được điểm cân bằng cung - cầu bất động sản
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có nhiều điểm sáng, đáng ghi nhận. Song cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, hiện Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã và đang tìm cách xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.
“Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, quyết tâm để xử lý các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc. Chúng ta không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến động, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững nhằm đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Theo Thủ tướng, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về thị trường bất động sản, làm căn cứ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản gần 800.000 tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung-cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Lượng giao dịch bất động sản năm 2022 tăng so với năm 2021 tuy nhiên vẫn giảm so với trước khi có dịch COVID-19. Giá bán được điều chỉnh về giá trị thực.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến ngày 31/12/2022 là gần 800.000 tỷ đồng.
Còn theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 28/10/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành.
Số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến ngày 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).
Thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. Năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021. Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.
Các doanh nghiệp trông chờ Chính phủ sớm đưa ra biện pháp cụ thể khơi thông dòng vốn và gỡ vướng về pháp lý.

>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm

Nguồn: VTV4

Hải Ninh

BẢN DESKTOP