Đời sống

Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử: Dễ hay khó?

  • Tác giả : Lê Phượng
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù những chính sách quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đã có. Tuy nhiên, hiện tượng “chảy máu tiền thuế” của một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trực tuyến đang là một thách thức lớn đối với ngành thuế Việt Nam.

Chưa theo kịp đà phát triển

Với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm lên tới hơn 25%, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Hiện nay, ngày càng có nhiều nền tảng kinh doanh TMĐT xuyên biên giới xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Có thể kể đến như Spotify, Apple Music, Youtube Music, hay WeTV (thuộc sở hữu của Tencent Trung Quốc)...  thể hiện sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Các nền tảng thương mại này đang kiếm được hàng trăm triệu USD từ người dùng Việt Nam, tuy nhiên hiện nay ngành thuế Việt Nam vẫn chưa có các chính sách hiệu quả để hạn chế, hay cụ thể hơn là đánh thuế đối với các hoạt động kinh donah từ các nền tảng này.

Một ví dụ điển hình là Netflix. Kể từ khi vào Việt Nam năm 2016, Netflix đã có khoảng 300.000 thuê bao, doanh thu mỗi năm Netflix có thể đạt tới 30 triệu USD (tương đương khoảng 700 tỷ đồng), nhưng lại không hề đóng thuế cho Việt Nam.

Việc các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn làm ảnh hưởng tới sự bình đẳng, công bằng trên môi trường kinh doanh cũng như sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hệ thống thuế tại Việt Nam lại chưa theo kịp đà phát triển của nền kinh tế số và bộc lộ nhiều “lỗ hổng”.

Chính sách thu thuế doanh nghiệp TMĐT của Việt Nam hiện nay chủ yếu chịu chế tài quản lý của Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân và một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng công tác quản lý thuế dành riêng cho hoạt động TMĐT mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc, chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài do các chính sách chưa được hoàn thiện.

Không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều này để khai gian hoặc thậm chí “né” tránh nghĩa vụ nộp thuế. Đặc biệt là các doanh nghiệp TMĐT xuyên quốc gia.

Dù Việt Nam đã có những chính sách về quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT, như nghị định số 126/2020/NĐ-CP để làm cơ sở pháp lý thực hiện thu thuế các doanh nghiệp, nhưng số thuế thu được từ một số doanh nghiệp kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia lại chưa tương xứng với doanh thu khổng lồ của họ tại Việt Nam.

Siết quản lý cần luật riêng

Trước sự phát triển nhanh chóng của các hình thức kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia tại nội địa, đòi hỏi ngành thuế Việt Nam phải có những thay đổi về cả cơ chế quản lý cũng như cần có nền tảng công nghệ tốt, minh bạch, nghiêm khắc, rõ ràng và kịp thời.

Dưới góc độ làm luật, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó thu thuế đối với các doanh nghiệp TMĐT xuyên quốc gia. Trong đó, việc xác định thu nhập thực tế của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do hiện nay xuất hiện nhiều hình thức thanh toán khác nhau. Ngoài thanh toán qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng số, còn có không ít các ví điện tử, thậm chí các loại tiền ảo.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia hiệp định chống đánh thuế hai lần. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài dựa vào đây có thể “né” được khoản thuế tại Việt Nam khi đã nộp thuế tại nước đăng ký thành lập. Do đó, để tránh vi phạm hiệp định này, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, cần có sự thống nhất giữa Việt Nam với quốc gia về mức thu thuế cũng như nước thu thuế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia không mới, nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh, biến đổi khó lường, nên Việt Nam sẽ cần phải xem xét ban hành dự thảo Luật riêng liên quan tới dịch vụ số.

Cụ thể, theo ông Vũ Đình Ánh, ngoài thống nhất các vấn đề liên quan tới thu nộp thuế với các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia, Cơ quan chức năng cần tạo môi trường kinh doanh cũng như điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong việc quản lý. Đặc biệt, Bộ Công Thương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp dữ liệu thông tin, biện pháp quản lý đối với các hoạt động kinh doanh qua mạng cho cơ quan thuế.

Ngân hàng cũng có trách nhiệm cung cấp tất cả các dữ liệu mua bán hàng hóa khi được cơ quan thuế đề nghị. Ngành thuế sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT.

Hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia hay các hoạt động bán hàng trên các sàn TMĐT đều mang lại nhiều tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. Đặc biệt là trong tình hình hiện tại, tăng cường các giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng đang là đòi hỏi từ thực tế xã hội, nhằm bù đắp khoản thiếu hụt tiền thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lê Phượng

BẢN DESKTOP