Theo Trịnh Hải Sơn, điểm số không phải là điều quan trọng nhất em có được trong 4 năm qua mà đó là kiến thức, những điều rất tuyệt vời, thú vị khám phá được trong lĩnh vực Vật lý mà mình yêu thích.
Không có bí quyết gì trong việc học tập
Trịnh Hải Sơn vốn là cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Bắc Giang. Chia sẻ “cơ duyên” đến với môn Vật lý, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, em rất tò mò về các quy luật cơ bản của thế giới tự nhiên.
Hải Sơn hầu như không có bí quyết gì trong việc học tập. “Cơ bản là do đam mê. Điều gì cảm thấy chưa nắm rõ thì em sẽ tìm hiểu cho đến khi thông suốt thì thôi. Như vậy, đến khi làm các bài kiểm tra sẽ trả lời tốt các câu hỏi. Nói chung cũng không có kinh nghiệm gì nhiều”, Sơn cười.
Tuy nhiên, Sơn cho rằng, sự tự học rất quan trọng. Đa số các vấn đề mới, cần có sự đầu tư nghiên cứu em đều tự học, còn ở lớp các thầy cô sẽ dạy những kiến thức cơ bản, nền tảng để sinh viên có thể đi tiếp.
Với Sơn, Vật lý là một lĩnh vực rộng lớn, có nhiều hệ thống lý thuyết, cho đến bây giờ vẫn chưa thực sự hoàn thiện và chặt chẽ ở mức cơ bản nhất. Về lý thuyết vẫn còn những lỗ hổng cần phải vá, chỉnh sửa.
Chẳng hạn, như cơ học lượng tử, các vấn đề liên quan đến định nghĩa của một phép đo, ta vẫn chưa làm được rõ ràng. Hay là sự thống nhất của vật lý lượng tử và lý thuyết trường hấp dẫn cũng là một câu hỏi mở, một bài toán chưa ai giải đáp được, cần có sự đầu tư nghiên cứu nhiều hơn, những ý tưởng mới, sâu hơn.
Tuy nhiên, ở tương lai gần, Hải Sơn muốn sử dụng những lý thuyết đã được học áp dụng vào những lĩnh vực khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn, như khoa học vật liệu… “Còn những hướng đòi hỏi sự sâu sắc hơn thì nên là một kế hoạch dài hạn, đôi khi là kế hoạch cả đời”, Hải Sơn nói.
Sơn chia sẻ, còn rất nhiều lĩnh vực em cần phải trau dồi. Những gì em đã được trang bị ở đại học chỉ là nền tảng, chưa phải những kiến thức hoàn chỉnh, đầy đủ, chuyên sâu để có những ứng dụng thực tiễn. Để đi tiếp trên con đường khoa học, em cần phải học thêm những kỹ năng nghiên cứu và công bố các bài báo khoa học có những ứng dụng thực tiễn.
“Em dự định sẽ tiếp tục học lên và đang trong quá trình tìm kiếm những học bổng nước ngoài, nếu không tìm được em sẽ học tập ở trong nước. Cái chính là vẫn phải duy trì việc học. Và mong ước của em là trở thành một nhà Vật lý trong tương lai, đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của một trường đại học”, Trịnh Hải Sơn nói.
|
Người đầu tiên trong gia đình theo lĩnh vực Vật lý
Trịnh Hải Sơn chia sẻ, mỗi khi được học, khám phá ra những kiến thức mới về Vật lý, Sơn cảm thấy rất vui. Thế giới quan được mở ra với một thế giới đầy thú vị.
“Khi nhìn dưới những công thức vật lý em cảm thấy thế giới rất thú vị và nhiều cái rất kỳ quặc. Càng nhìn sâu lại càng kỳ quặc. Có những định luật vật lý ở những quy mô rất nhỏ như ở bên trong nguyên tử, hạt nhân, hoặc những quy mô rất lớn như không-thời gian xung quanh hố đen, hoặc sự hình thành và tiến hóa của toàn vũ trụ… Nơi đó, có những điều kỳ lạ hơn những định luật vật lý thông thường mà chúng ta biết hằng ngày”, Sơn nói.
Trong gia đình Sơn, không có ai theo lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên. Ông bà ngoại em là giáo viên cấp 3, nhưng ở lĩnh vực xã hội. Ông nội làm lái xe, bà nội làm may. Em là người đầu tiên trong gia đình theo lĩnh vực Vật lý.
Tuy nhiên, em đã được gia đình hết lòng ủng hộ, hỗ trợ theo đuổi con đường Vật lý. Đặc biệt là ông bà ngoại đã động viên, hỗ trợ em rất nhiều.
Và một điều em cũng cảm thấy đặc biệt may mắn, đó là được học tập ở mái trường ĐH Khoa học Tự nhiên, nơi có các thầy cô rất đam mê, tận tâm với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và với công việc giảng dạy. “Các thầy cô truyền cảm hứng cho các sinh viên. Mỗi thầy cô có một góc nhìn khác nhau theo các lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Em đã học được từ các thầy cô rất nhiều”, Sơn chia sẻ.
|
“Đại học không phải chỉ có mỗi việc học là duy nhất”
Không chỉ được biết đến với những thành tích học tập nổi bật, Trịnh Hải Sơn còn là người lan tỏa cảm hứng với công tác tình nguyện.
Năm 2020, Trịnh Hải Sơn đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố. Sơn cho biết, rất bất ngờ khi đạt được danh hiệu này, vì em làm mọi thứ không phải vì giải thưởng mà muốn thúc đẩy phong trào của sinh viên.
Hải Sơn cho hay, việc tham gia các công tác như tuyển sinh cho Khoa, tình nguyện… là những trải nghiệm rất tuyệt vời, ngoài việc học tập.
“Em cho rằng, cần phải cân bằng các kỹ năng. Học đại học không phải chỉ có mỗi việc học là duy nhất, mà nên đa dạng trong các hoạt động, hướng tới sự hoàn thiện hơn cho các kỹ năng của bản thân. Em nghĩ, mỗi người nên tham gia ít nhất một công việc tình nguyện trong thời gian học đại học”, Sơn nói.
Một trong những lần làm công tác tình nguyện mà Hải rất nhớ, đó là tại Trạm Tấu (Yên Bái). Nhóm đã giúp bà con trồng các chậu hoa ven con đường dẫn vào xã, dọn dẹp và trang trí trường mầm non, dọn sạch con đường sau trận mưa, nhổ cỏ dại ven đường, thông cống rãnh, đến thăm những hộ nghèo trong xã và trao tặng những suất quà nhỏ,...
Mặc dù những công việc của nhóm tình nguyện cũng không phải là điều gì quá to tát nhưng nhóm cảm thấy rất vui, bởi đã cố gắng hết sức để có thể giúp đỡ phần nào cho cuộc sống của bà con tốt hơn.
“Đặc biệt, sau chuyến đi, em đã có những trải nghiệm, hiểu hơn cuộc sống vất vả của người dân, điều này rất ý nghĩa với em”, Sơn chia sẻ.
Trịnh Hải Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất khi lựa chọn ngành học là người học phải có sự đam mê nhất định. Hiện nay, có rất nhiều ngành học “hot”, nhưng quan trọng là có phù hợp và đúng với sở thích hay không.
“Nhất là nếu xác định làm công việc đó cả đời thì phải có niềm đam mê, sự thích thú nhất định. Nếu không sẽ rất khó để theo đuổi một cách bền vững và trở thành nhân tố xuất sắc trong lĩnh vực đó”, Trịnh Hải Sơn nói.
Thành tích tiêu biểu:
Giải nhất Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 23
Giải thưởng Bồ Công Anh cho cán bộ Đoàn, Hội đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020
Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2020
Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường, cấp ĐHQGHN, cấp Thành phố năm 2020
Giải Nhất học bổng Nguyễn Hoàng Phương 2022