KINH TẾ

Thu hồi đất phục vụ dự án nhà ở thương mại, nhiều đại biểu không đồng tình

  • Tác giả : Long Nguyễn
Nhiều đại biểu không đồng tình việc thu hồi đất phục vụ dự án nhà ở thương mại, vì có thể ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những điểm mới quy định tại Điều 70, nêu cụ thể trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác, được trên 80% người có đất đồng ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đại diện cơ quan thẩm tra) cho rằng quy định Nhà nước thu hồi đất với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Theo quy định của Hiến pháp, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, về cơ bản nội dung tại Điều 70, Điều 71 của dự thảo kế thừa quy định Luật Đất đai năm 2013 theo hướng liệt kê cụ thể từng loại dự án cần thu hồi, mà chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể. "Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc nhóm thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện của những dự án Nhà nước thu hồi đất, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Đối với phạm vi thu hồi đất vùng phụ cận với dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; hoặc để di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng, không phù hợp với quy hoạch, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong dự thảo luật 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không được. "Quy định như vậy là chung chung, không đúng tinh thần Hiến pháp và chủ trương của Trung ương. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tách bạch quan hệ dân sự - hành chính", Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng thu hồi đất là chế định quan trọng trong Luật Đất đai, cần quy định chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch. Bà Nga đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc này nhằm đảm bảo tính chính xác và phù hợp, tránh lạm dụng trong thực tiễn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình việc đưa ra điều kiện, tiêu chí cho từng trường hợp thu hồi đất là rất khó. Còn nhà ở xã hội, khu đô thị thuộc trường hợp thu hồi đất phục vụ vì lợi ích quốc gia, công cộng, "có thể dự thảo chưa rõ ràng trong câu chữ, dẫn đến ý kiến khác nhau".

"Nhà ở thương mại và khu đô thị được nêu ở đây là dự án trọng điểm của quốc gia, phục vụ quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, đồng bộ, không chỉ là những đô thị nhỏ như hiện nay", Bộ trưởng Hà nói.

Theo ông Hà, việc thu hồi, đấu giá cho các dự án nhằm tạo quỹ đất, nguồn lực cho phát triển đô thị, giao thông và giúp giá trị đất đai tăng lên, phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo mô hình gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Những dự án này phục vụ cho quốc gia, cộng đồng, tạo nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

"Chúng tôi tiếp thu ý kiến góp ý của Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban, sẽ rà soát, nghiên cứu lại nội hàm, tiêu chí, tiêu chuẩn của trường hợp thu hồi đất, nhất là dự án nhà ở thương mại, khu đô thị", ông Hà cho hay.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự án Luật này được xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10.

Long Nguyễn

BẢN DESKTOP