Pháp luật

Thủ đoạn “giả danh chuyên gia đòi hộ tiền lừa đảo”

  • Tác giả : Thanh Phong
Gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân cả tin mất số tiền lớn. Thậm chí, nhiều người đã bị lừa lần 1 nhưng lại tiếp tục bị lừa lần 2 dù đã tố cáo với cơ quan bảo vệ pháp luật.

Các đối tượng lập ra các fanpage, trang cá nhân trên Facebook và hội nhóm để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia. Kẻ gian sẽ giả mạo luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người dân đã bị lừa trước đó.

Đối tượng mới mạo danh chuyên gia, luật sư

Anh N.V.L (Bắc Ninh) cho biết, khi bị các đối tượng giả mạo tuyển dụng Shopee lừa mất 300 triệu, anh đã đăng bài truy tìm đối tượng trên group ''Cảnh báo lừa đảo''. Sau đó, một thành viên trong đó giới thiệu cho anh một chuyên gia, có profile cá nhân đang công tác tại Vụ Tài chính - kế toán, Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, trên trang của người này có rất nhiều thông tin về các vụ thu hồi lại tiền bị lừa đã giải quyết thành công nên anh đã tin tưởng.

Ban đầu, vị “chuyên gia” này tuyên bố chắc nịch số tiền mà đối tượng lừa đảo anh đã bị khóa và sẽ chuyển về tài khoản vào ngày hôm sau. Để nhận lại được tiền, anh phải chuyển cho đối tượng 2 triệu đồng phí chuyển nhanh.

Tuy nhiên, sau khi đã chuyển 2 triệu đồng, đối tượng lại yêu cầu anh L phải thanh toán thêm 5% số tiền đã lấy lại được tương đương 15 triệu đồng. Do đã cạn kiệt tài chính sau khi bị lừa, anh đã không có khả năng thanh toán nốt số tiền nói trên.

Lúc này, đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để thuyết phục anh đi vay mượn tiền, cảm thấy nghi ngờ anh L đã lên các hội nhóm tìm hiểu và được biết đó là thủ đoạn lừa đảo lần 2 của các đối tượng lừa đảo.

Tương tự, chị T.H (Bình Dương) cho biết, chị vừa bị lừa 96 triệu đồng. Lướt Facebook chị H gặp quảng cáo dịch vụ thu hồi tiền của luật sư. Sau khi liên lạc với Facebook có tên "luật sư Trần Huy" để nhờ hỗ trợ lấy lại tiền, chị được hướng dẫn chuyển qua nhắn tin trên ứng dụng Telegram.

Người này hỏi một số thông tin như biết đến dịch vụ từ đâu, mất bao nhiêu tiền, có hóa đơn không. Sau đó, ông này yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.

Do không yên tâm, chị H gửi thông tin giả với tên "Thanh Nhã" để kiểm tra. Chỉ vài phút sau, người tự xưng là luật sư nói đã thấy số tiền bị treo của cô trên hệ thống. Người này gửi kèm ảnh chụp màn hình trang web có logo của Bộ Tài chính và thông tin liên quan đến nạn nhân, khẳng định số tiền bị mất có thể lấy lại được trong vòng 10-30 phút.

Để nhận lại tiền, người dùng cần hoàn thành một mã lệnh, bằng cách chuyển 1,5 triệu đồng vào tài khoản của bên cung cấp dịch vụ. Ngoài phí làm nhiệm vụ, họ cũng cần chia 5% số tiền thu hồi được cho "luật sư".

"Chỉ cần chuyển khoản thành công, hệ thống sẽ kích hoạt giải ngân, chắc chắn tỷ lệ hoàn thành là 100%. Tôi đã làm trong nghề nhiều năm, nếu trường hợp rủi ro, tiền không về sẽ đền gấp ba lần phí kích hoạt", bên cung cấp khẳng định và gửi kèm bằng cấp, căn cước công dân, chứng chỉ hành nghề của luật sư.

Khi thấy thông tin cung cấp sai nhưng vẫn được báo kết quả trùng khớp, H nhận ra đây là dịch vụ lừa đảo nên không chuyển tiền theo yêu cầu.

Nhiều khó khăn trong đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội

Theo bà Nguyễn Thị Loan, chuyên gia về dịch vụ mạng xã hội - marketing online (Công ty CP Dịch vụ Thương mại D&T), có những nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng được cảnh báo. Nhưng nhiều người vẫn cả tin và bị dụ tham gia "làm cộng tác viên", "làm nhiệm vụ online", đặc biệt trong giai đoạn cuối năm và cận Tết.

Sau khi bị lừa, đa số đều tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm lấy lại tiền đã mất. Đánh vào tâm lý này, kẻ xấu đã mạo danh Facebook các luật sư và văn phòng luật để lừa nạn nhân lần thứ hai. Nhiều tài khoản thậm chí chạy quảng cáo để tăng khả năng tiếp cận người dùng.

"Hành vi của nhóm này là sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của luật sư nổi tiếng, đăng bài quảng cáo dịch vụ giải ngân tiền bị treo. Đây đều là các kênh mới lập hoặc đổi tên từ tài khoản bị đánh cắp, sau đó sửa nội dung, thời gian đăng bài, mua tương tác giả để tạo uy tín", bà Loan nói.

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết quá trình đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội này gặp nhiều khó khăn, vì đây là đường dây lừa đảo có hệ thống, chỗ làm việc và các đối tượng chủ yếu nằm ở nước ngoài.

Nạn nhân và các đối tượng không quen biết nhau, không biết các đối tượng là ai, không có bất kỳ thông tin gì liên quan đến các đối tượng.

Đặc biệt, các tài khoản nhận tiền 100% là tài khoản ảo, chính chủ nhưng không phải người sử dụng (bán tài khoản) hoặc chúng làm tài khoản của những người bị mất Căn cước công dân…

Bên cạnh đó, các đối tượng đánh đúng tâm lý nạn nhân mới mất tiền có xu hướng muốn lấy lại tiền nên sau khi nhận được thông tin có xu hướng muốn chuyển tiền ngay cho đối tượng. Chúng mạo danh các Văn phòng luật sư có thật và công khai trên mạng, nên nhiều người dân tin tưởng, thậm chí đứng trước cửa Văn phòng luật sư chuyển tiền.

“Sau khi chuyển tiền thì trong vòng vài phút tiền của nạn nhân đã bị các đối tượng chuyển đến hàng trăm tài khoản khác cũng là tài khoản ảo… địa điểm cuối thường là các dịch vụ đổi tiền hoặc các cửa hàng kinh doanh vàng bạc nên khó khăn trong công tác đấu tranh và thu hồi tiền cho người dân” - Thượng tá Lê Vinh Tùng thông tin thêm.

Bộ Công an khuyến cáo người dân

Thường xuyên đọc và nắm bắt các thông tin trên các trang mạng chính thống của các Cơ quan bảo vệ pháp luật và báo đài để kịp thời nhận biết các thủ đoạn phạm tội của các đối tượng.

Đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.

Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Thanh Phong

BẢN DESKTOP