Dữ liệu y khoa

ThS.BS Trần Quốc Khánh: Phải tạo thói quen ngồi đúng sinh lý cột sống

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ người cao tuổi mà hiện rất nhiều người trẻ mắc bệnh lý về cột sống. Nếu không điều trị sớm, đúng cách, người bệnh có thể mất khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. ThS.BS Trần Quốc Khánh – bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có cuộc trao đổi về phương pháp điều trị hiệu quả căn bệnh này.
ThS.BS Trần Quốc Khánh.

ThS.BS Trần Quốc Khánh.

Bệnh lý cột sống đang trẻ hóa

Ngày nay rất nhiều người bị bệnh lý cột sống. Bệnh có nguy hiểm không bác sĩ?

Trong các bệnh lý ở cột sống, thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh thường gặp nhất. Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây giảm chức năng thần kinh, giảm chất lượng sống của người bệnh. Nếu bị nặng, có thể gây tàn phế, mất khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Bệnh lý cột sống cổ có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều người chỉ mới 30 - 40 đã bị bệnh. Vì sao vậy?

Ngày nay rất nhiều bạn trẻ gù vẹo cột sống, đau lưng, cổ là do không giữ được dáng ngồi chuẩn. Phải tạo thói quen ngồi đúng sinh lý cột sống: Thẳng lưng, hơi ưỡn ra, tránh ngồi cong gù vai, cổ cúi thấp. Có thể thi thoảng chúng ta đổi tư thế gập người lại nhưng phải ngồi giữ đúng tư thế chuẩn của cột sống.

Mỗi tuần bác sĩ mổ bao nhiêu ca về cột sống?

Tuần này khoảng 30 ca. Ở khía cạnh nào đó của nghề bác sĩ thì cũng vui, nhưng mà điều tôi muốn hướng tới là làm sao để mọi người dự phòng được bệnh tật, không phải đến viện lên bàn mổ. Tức là tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh. Mà muốn được thế chúng ta phải dự phòng, phải tập thể dục, phải biết cái gì cần làm, cái gì cần tránh.

Khi nào người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ để can thiệp?

Nếu đau lưng đột ngột, đau lưng cấp, thay đổi tư thế rất đau, nằm ngủ ngồi dậy vô cùng đau đớn thì cần đến các bác sĩ chuyên sâu về cột sống. Bệnh nhân sẽ được đo loãng xương, chụp X-quang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân chính xác. Từ đó các bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị chính xác.

Cụ thể thì những dấu hiệu nào cho thấy bệnh lý cột sống ở mức nguy hiểm bắt buộc phải đi khám ngay?

Thứ nhất là những người trên 30 tuổi có biểu hiện đau lưng, đau cột sống cổ kéo dài trên 2 tuần hoặc từng đợt, có tiền sử chấn thương hoặc tính chất nghề nghiệp dễ tổn thương cột sống như làm sơn móng, lái xe, nhào lộn...

Thứ hai là dấu hiệu tê bì chân tay. Tê bì tứ chi là dấu hiệu tương đối nặng. Một là bị chèn ở đốt sống cổ hoặc não cần đi khám ngay tức khắc. Nếu bị tê bì hai chân thì có thể bị chèn cột sống ở phần ngực hoặc thắt lưng.

Thứ ba là giảm các động tác tinh tế của bàn tay. Đây là dấu hiệu nhiều người bị nhưng rất ít người đi khám và đến khi khám thì thường là muộn rồi, rất khó cho bác sĩ điều trị. Ví dụ, chữ viết xấu đi, cầm nắm vật gì đó ngượng, cài cúc áo run... là dấu hiệu vô cùng kín đáo báo hiệu bệnh cột sống cổ nặng.

Dấu hiệu thứ 4 cũng phải đi khám ngay là yếu và teo tay hoặc chân. Ví dụ, không nâng vai lên được, gập khuỷu tay khó, cổ bàn chân không vảy lên được, xách vài cân thấy nặng khó. Song song với yếu có thể biểu hiện teo một bắp tay, lép một bên mông hoặc bắp chân. Đó là dấu hiệu tương đối muộn của bệnh lý cột sống.

Những người trên 50 tuổi, nhất là người già có dấu hiệu đi loạng choạng, sợ ngã, phải vịn... cũng là dấu hiệu muộn của chèn ép cột sống.

Bệnh lý về cột sống. (Ảnh minh họa)

Bệnh lý về cột sống. (Ảnh minh họa)

Nên dùng đai lưng

Điều trị bệnh lý về cột sống có phức tạp không, thưa bác sĩ?

Với y học hiện đại, hầu hết các bệnh lý về cột sống được điều trị nhanh, đơn giản, an toàn và hiệu quả cao. Ví dụ, nếu chẩn đoán bị xẹp đốt sống thì buộc phải bơm xi măng sinh học. Đây là một kỹ thuật gây tê tại chỗ thôi, không gây mê gây tê tủy sống. Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ dùng một ống kim tiêm xi măng vào tạo hình lại cột sống. Mỗi đốt sống thường làm khoảng 15 phút. Sau khi bơm xi măng xong bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại bình thường, ra viện trong ngày.

Những người bị bệnh lý cột sống thắt lưng (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, gãy eo cột sống, trượt đốt sống, hẹp ống sống, loãng xương, gai đôi...) có chơi thể thao được không?

Người bệnh lý cột sống thắt lưng nếu có điều kiện nên chọn môn bơi. Bơi là môn thể thao vô cùng tốt không chỉ cho cột sống mà cho tất cả hệ xương khớp, tim mạch và các bộ phận trong cơ thể. Vì khi bơi chúng ta phải vận động hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Nước lại nâng đỡ cơ thể, sẽ không bị áp lực tì đè lên các khớp. Các khớp được tự do hơn. Chỉ tiếc cho những ai có vấn đề về xoang và tai thì bị ảnh hưởng. 

Môn thể thao thứ hai mà nên áp dụng với người bị xương khớp là yoga và thiền. Môn này giúp các hệ xương khớp được kéo giãn, điều hòa, tăng độ dẻo, sức bền. Chỉ lưu ý khi tập phải lắng nghe cơ thể. Khi tập mà thấy đau hơn hoặc sợ bị chấn thương thì nên bỏ qua động tác đó. 

Môn thể thao thứ ba mà người bệnh lý cột sống thắt lưng nên chơi là xà đơn - hít đất - gập duỗi cơ bụng. Mỗi người bị bệnh lý cột sống nên làm một xà đơn gắn lên tường hoặc lối ra vào ở quanh nhà. Nên tập trước khi tắm hoặc sáng mai thức dậy. Người nào khỏe có thể hít xà đơn, không khỏe tay thì chỉ cần đu lên thả lỏng người xuống để cột sống kéo cột sống giãn ra bằng chính trọng lượng của chúng ta. Hít đất - gập bụng là các động tác tốt cho bụng và lưng mà nhiều người thường bỏ qua khi tập.

Cũng có thể đạp xe đạp nhẹ nhàng nhưng phải chọn loại xe giữ lưng thẳng, không bị cúi, gù lưng. Những người bị cột sống không nên chạy bộ vì mỗi lần tiếp đất là mỗi lần lưng bị một chấn động. Đá bóng, cầu lông, bóng chuyền, tenis... tuyệt đối tránh vì những môn thể thao này phải chạy, xoắn vặn, nhảy, xoay lưng đột ngột... không tốt cho cột sống. Nguyên tắc là những môn đòi hỏi nhanh, mạnh, đột ngột thì phải tránh.

Trong trường hợp nào bắt buộc phải dùng đai lưng thưa bác sĩ?

Những người bị cột sống lưng nếu ngồi học nhiều, ngồi làm việc lâu, đi ô tô nhiều hoặc máy bay dài... nên mua một đai lưng mềm luôn mang theo bên mình. Ngồi trên một tiếng là phải mặc đai lưng vào. Bản thân tôi dù lưng rất tốt nhưng những ca mổ trên 1 - 2 tiếng tôi vẫn dùng đai lưng. Vì lưng cũng như bất kỳ cơ quan nào cũng thế thôi, khi mãi một tư thế nó sẽ mỏi và tạo ra tiền đề của các chấn thương, thoát vị.

Những người bị xương khớp nên tắm nước ấm hay nước lạnh?

Một nghiên cứu về tắm nước nóng hay lạnh cho thấy, vòi hoa sen và nước ấm mạnh mẽ có thể hoạt động như một liệu pháp mát xa giúp giãn co cứng cơ, giải phóng tình trạng cứng khớp, đau nhức khớp và chuột rút. Đây là phương pháp thủy trị liệu, dùng các vòi nước nóng ấm tốc độ cao để điều trị đau nhức xương khớp, đặc biệt ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, những người có bệnh về da thì cần chú ý vì nước ấm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cũng như các bệnh về da.

Những người bị xương khớp nên tắm nước ấm.

Những người bị xương khớp nên tắm nước ấm.

Vậy để giữ cột sống khỏe mạnh cần chú ý điều gì?

7 điều ai cũng cần biết để giữ cột sống khỏe mạnh. Đó là: 1. Không hút thuốc lá; 2. Giảm rượu, bia; 3. Không nằm ngủ gối quá cao, nệm quá mềm, không nằm sofa xem tivi; 4. Hạn chế cúi thấp cổ xem tivi, điện thoại, máy tính; 5. Thể dục thể thao mỗi ngày; 6. Giữ cân nặng vừa phải; 7. Tránh ngồi lâu một tư thế (tối đa 90 phút). Đặc biệt là không hút thuốc lá vì thuốc lá gây bệnh về phổi, ung thư, tim mạch, thoái hóa xương khớp, trong đó cột sống bị rất nặng. Ngoài ra, hội chứng cổ tin nhắn hay cúi gập đầu xem điện thoại cũng là hành vi mà rất nhiều người đang mắc hiện nay.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP