Yêu

Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn

  • Tác giả : Thúy Nga
Sự phát triển nhanh chóng của tinh hoàn ở tuổi dậy thì hoặc nhiệt độ lạnh có thể gây khởi phát xoắn tinh hoàn. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn cao nhất là vào mùa đông, chiếm khoảng 36%. 

Thời tiết chuyển lạnh trong những ngày cuối năm đã khiến nhiều nam giới phải nhập viện vì bị xoắn tinh hoàn. Mới đây, Khoa Ngoại Tiết Niệu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) vừa phẫu thuật cấp cứu cho một nam bệnh nhân 18 tuổi bị xoắn tinh hoàn lúc sáng sớm.

Theo đó, vào lúc 5 giờ sáng, khi đang ngủ, bệnh nhân T.Q.H (18 tuổi, Củ Chi, TP HCM) đột ngột khởi phát cơn đau bìu, cơn đau diễn biến liên tục theo cấp độ tăng dần khiến H. không thể chịu đựng nên được người nhà đưa đến Bệnh viện thăm khám.

Thời điểm người bệnh được đưa tới phòng khám khoa Ngoại tiết niệu là vào giờ thứ 4 sau khi xuất hiện triệu chứng đau. Sau khi thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm Doppler đánh giá tưới máu tinh hoàn, các bác sĩ phát hiện tinh hoàn trái của người bệnh hầu như đã mất tưới máu hoàn toàn, chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái.

Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định mổ cấp cứu nhằm tháo xoắn tinh hoàn và cố định hai tinh hoàn vào bìu nhằm kiểm soát nguy cơ tái phát. Nhờ việc đến bệnh viện sớm nên tinh hoàn của người bệnh được bảo tồn và hồi phục rất tốt sau ca mổ.

Thời tiết lạnh cuối năm làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn - Ảnh BVCC

Thời tiết lạnh cuối năm làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn - Ảnh BVCC

Qua trường hợp này, ThS.BS.CKII. Nguyễn Vĩnh Bình, Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu BVĐK Xuyên Á khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan với những cơn đau cấp tính ở bìu, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi khởi phát cơn đau.

Vì những cơn đau này có thể do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó có thể là xoắn tinh hoàn, một tình trạng rất nguy hiểm.

Xoắn tinh hoàn là tình trạng xoắn các cấu trúc của thừng tinh dẫn đến mất tưới máu động mạch nuôi dưỡng tinh hoàn và tắc dòng tĩnh mạch hồi lưu gây thiếu máu tinh hoàn cùng bên. Tình trạng xoắn sẽ gây ra cơn đau cấp tính ở bìu.

Xoắn tinh hoàn hiện không có cách phòng ngừa, do những bệnh nhân xoắn tinh hoàn thường có đặc điểm di truyền là tinh hoàn có thể xoay quanh trục của nó bên trong bìu. Quan sát bằng mắt thường rất khó xác định được tình trạng này, muốn dự phòng chỉ có cách phẫu thuật cố định tinh hoàn vào bìu.

Xoắn tinh hoàn thường gặp ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Đây là tình trạng cấp cứu niệu khoa cần phải xử lý cấp cứu để có thể bảo tồn tinh hoàn.

Khả năng cứu sống của tinh hoàn sẽ giảm nhiều nếu xử trí sau 6 giờ khởi phát triệu chứng, khi người bệnh đến điều trị muộn sẽ khiến tinh hoàn bị thiếu máu kéo dài, có khả năng phải cắt bỏ tinh hoàn do tinh hoàn bị hoại tử.

Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau hoạt động mạnh hoặc va chạm nhẹ ở tinh hoàn, thường rơi vào lúc nửa đêm với cơn đau bìu dữ dội, đột ngột, có thể kèm đau ở bụng, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều lần, sốt.

Lúc này, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ thấy một tinh hoàn nằm cao hơn so với bình thường hoặc ở một góc bất thường, dùng tay nâng nhẹ tinh hoàn sẽ thấy giảm đau.

Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của tinh hoàn ở tuổi dậy thì hoặc nhiệt độ lạnh có thể gây khởi phát xoắn tinh hoàn. Các nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ có liên quan đến tình trạng xoắn tinh hoàn, nhiệt độ xảy ra xoắn thường ở -12 - 23 độ C và thường nhất xảy ra khi nhiệt độ môi trường dưới 15 độ.

Tỷ lệ xoắn tinh hoàn cao nhất là vào mùa đông, chiếm khoảng 36%. Nhiệt độ và độ ẩm không khí càng giảm, nguy cơ xoắn tinh hoàn càng tăng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP