Y học và đời sống

Thói quen xấu làm mất cân bằng hệ vi sinh, gây suy yếu đường ruột

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và gây ra các bệnh lý nghiêm trọng.

Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Việc duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột sẽ giúp đường tiêu hóa luôn khỏe và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột là lúc lợi khuẩn suy yếu, ảnh hưởng tới tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng, khi ăn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Ảnh minh họa

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột là lúc lợi khuẩn suy yếu, ảnh hưởng tới tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng, khi ăn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số thói quen xấu hàng ngày làm mất cân bằng hệ vi sinh gây suy yếu đường ruột:

Lười uống nước

Hydrat hóa ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa bằng cách hỗ trợ các quá trình như động đường ruột, bài tiết và loại bỏ chất thải. Không uống đủ nước có thể dẫn đến táo bón, ảnh hưởng đến sự cân bằng, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Mọi người nên uống đủ nước mỗi ngày, người trưởng thành khoảng 1,8-2 lít mỗi ngày.

Ăn uống vô tội vạ

Tỷ lệ lý tưởng để đường ruột hoạt động tốt là 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn, có như vậy các lợi khuẩn mới phát triển mạnh và phát huy công dụng của nó trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng, hỗ trợ hệ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên hiện nay tỉ lệ này thực chất lại ngược lại với rất nhiều người bởi những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày mà trong đó nguyên nhân không nhỏ là do ăn uống không điều độ.

Cuộc sống bận rộn ngày nay khiến không ít người “kết bạn” với các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, giàu chất béo, đạm, ít chất xơ, cộng với thói quen ăn vội vã, thất thường, uống nhiều bia rượu… vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây hại trong đường ruột có cơ hội sinh sôi nảy nở.

Stress

Một số người cảm thấy buồn nôn khi căng thẳng hoặc bồn chồn nếu lo lắng. Điều này cho thấy các tín hiệu từ não ảnh hưởng đến đường ruột. Stress cũng có thể làm gián đoạn quá trình giao tiếp giữa não và ruột, gây đau, đầy hơi cùng những cảm giác khó chịu khác ở dạ dày.

Thậm chí, nó còn có liên quan đến những thay đổi trong hệ vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ngủ đủ giấc, thiền, yoga và tập thể dục thường xuyên là những cách góp phần giảm căng thẳng.

Thường xuyên thức khuya

Khi không ngủ đủ giấc, hệ tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng xấu. Đồng hồ sinh học bên trong cơ thể chi phối tất cả khía cạnh, bao gồm cả đường tiêu hóa và hệ thống miễn dịch. Khi nhịp sinh học không ổn định (chủ yếu do ngủ không đủ giấc), chức năng tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.

Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe thúc đẩy giấc ngủ lành mạnh hơn (bao gồm cả ít tỉnh giấc vào ban đêm). Tuân thủ chu kỳ ngủ - thức hàng ngày cũng hỗ trợ các chức năng tự nhiên của cơ thể tốt hơn. Người lớn nên duy trì thời gian ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, tắm nước ấm hay thiền, hít thở sâu giúp ngon giấc hơn.

Không ăn đủ chất xơ

Lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ khoảng 21-25 g, nam giới là 30-38 g. Nếu không nạp đủ mức này, vi khuẩn có lợi trong ruột có thể bị ảnh hưởng, bởi chúng phân hủy chất xơ hòa tan, từ đó tạo ra các sản phẩm phụ lành mạnh để ruột hấp thụ.

Chất xơ không hòa tan hỗ trợ kiểm soát táo bón bằng cách nhuận tràng, thúc đẩy nhu động ruột hoạt động bình thường. Thiếu loại chất xơ này có thể khiến phân tiếp xúc với tế bào ruột và vi khuẩn, dẫn đến sản xuất các chất thải của vi khuẩn quá mức, cuối cùng gây viêm cục bộ.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP