Vấn đề - Sự kiện

Thói quen tích trữ đồ là bệnh của người nghèo

Thói quen tích trữ đồ là bệnh của người nghèo. Nhiều nhà xảy ra mâu thuẫn chỉ vì người già thì thích tích trữ, còn người trẻ thì cứ vứt hết những thứ không cần thiết đi.

Hình minh họa.

Đọc một cuốn sách về cách sống của người Nhật, trong đó có nói đến việc, cái gì không cần thiết thì vứt hết đi, cho nhà cửa rộng rãi, thoáng mát.

Ngẫm thì thấy hay, thấy chí lí, nhưng còn lâu mới học được, bởi phải đến khi nào mình giàu như người Nhật thì mới vứt hết đi được. Còn bây giờ, còn nghèo, còn phải cất giữ.

Cái hộp sữa bằng sắt hết sữa thì rửa sạch đi để đựng đỗ, lạc. Nếu vứt đi, đến lúc cần, lại chạy đi mua cái hộp nhựa ư. Đến cái túi nilon sạch cũng còn giữ lại để đựng rác, đựng đồ. Nhiều lúc dọn dẹp cũng muốn vứt đi, nhưng lại nghĩ lúc này không cần, biết đâu lúc khác lại cần, đành ngậm ngùi giữ lại.

Cứ bảo bây giờ mọi thứ đều sẵn, tội gì tích trữ cho chật nhà, mà để lâu có khi lại hư hỏng. Nhưng khổ nỗi, có phải lúc nào cần là cũng sẵn tiền để mà mua được ngay đâu.

Tốt nhất, khi lĩnh lương phải lo mà phân chia phần này nộp tiền học cho con, phần này trả tiền điện, tiền nước, phần này để mua gạo, mua mắm muối, dầu ăn, trứng, mì tôm… những thứ căn bản của nhà nghèo. Để nếu có vấn đề gì xảy ra, con cái khỏi lo đói. Rồi những khi khuyến mãi, hạ giá, tranh thủ mua được là mua.

Đấy là chưa nói, giữ lại, tích trữ là bệnh của người nghèo rồi. Lúc có rồi vẫn cứ lo những lúc thiếu, nên tích được cái gì là cứ tích. Tích trữ cũng là thể hiện sự biết lo toan của người nội trợ trong gia đình.

Tôi vẫn thích cái cách ngày xưa, khi nào trời mưa, ngồi nhà không đi đâu được, là có thể nghĩ ra đủ món ăn. Có sẵn lạc để trộn món nộm rau muống thơm lừng. Có sẵn bột, sẵn đỗ để mang ra làm món bánh rán. Tất nhiên bây giờ, muốn ăn chạy ra siêu thị mua nhoáng một lúc đủ hết. Nhưng cái cảm giác lôi từ chỗ này ra gói bột, lục ở góc kia ra ít đỗ, lạc… có sẵn trong nhà, vẫn thú hơn rất nhiều.

Thế nhưng, các bạn trẻ, những người không sống qua cái thời thiếu thốn, cái gì cũng phải dự trữ ấy thì khó mà hiểu nổi. Họ khó chịu khi người già cứ giữ lại những đôi giày không đi nữa, những đồ vật không dùng được nữa, để chật cả nhà, mất cả mỹ quan.

Nhiều nhà xảy ra mâu thuẫn chỉ vì người già thì thích tích trữ, còn người trẻ thì cứ vứt hết những thứ không cần thiết đi. Dung hòa được hai lối sống, hai thế hệ, thật là khó.

Minh Anh

BẢN DESKTOP