Dữ liệu y khoa

Thời lượng ngủ để cắt giảm lượng đường tiêu thụ

Một nghiên cứu cho thấy với những người khỏe mạnh, thời lượng ngủ đủ sẽ cắt giảm lượng đường tiêu thụ, rất tốt cho sức khỏe.

Thời lượng ngủ.

Thời lượng ngủ ít nhất 7 giờ một đêm có thể giúp chúng ta ăn ít đường hơn. Ảhh minh họa.

Ngủ ít nhất 7 giờ một đêm có thể giúp chúng ta ăn ít đường hơn, theo một nghiên cứu mới trên Tạp chí American Journal of Clinical Nutrition (Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) cho hay.

Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng việc tăng thời lượng giấc ngủ là việc hoàn toàn có thể làm được đối với người lớn khỏe mạnh. Những người ngủ ít hơn thời gian trên nên có chiến lược đơn giản là cắt giảm thời gian xem phim trước khi ngủ, không uống cà phê muộn trong ngày để đạt được mục tiêu trên.

Các nhà nghiên cứu tại trường King’s College London muốn xem liệu có thể kéo dài thời gian ngủ của những người ngủ ít chỉ bằng một sự can thiệp ngắn hay không. Để tìm hiểu, họ đã thiết kế một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên: Trước tiên, tìm kiếm 42 người trưởng thành khỏe tham gia. Những người này thường xuyên ngủ từ 5-7 tiếng/đêm. Các nhà nghiên cứu yêu cầu họ mặc đồ theo dõi giấc ngủ và ghi lại nhật kí ăn, ngủ trong 1 tuần.

Sau đó, một nửa trong số những người tham gia được tham gia buổi tư vấn với một nhà tâm lý học về giấc ngủ nhằm kéo dài thời gian ngủ của họ thêm 1,5 giờ mỗi đêm. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được tư vấn về lý do tại sao giấc ngủ quan trọng và mỗi người đều được yêu cầu đi ngủ cùng với 4 hành vi – được cá nhân hóa theo lối sống của họ – và họ nên cố gắng chấp nhận trong vài tuần tới. Các hành vi đó bao gồm: Tránh caffein và các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, thiết lập một giờ nghỉ ngơi thư giãn và không đi ngủ khi quá no hoặc đói.

Những tình nguyện viên còn lại không được tư vấn và được hướng dẫn về hành vi bình thường của họ và giữ lịch sinh hoạt thường ngày của mình.

Cả hai nhóm sau đó đã được theo dõi trong bốn tuần. Trong tuần cuối cùng của nghiên cứu, họ lại mặc các thiết bị theo dõi ngủ và ghi nhật kí về giấc ngủ và thực phẩm mình đã ăn uống.

Các can thiệp về giấc ngủ đã có hiệu quả, ít nhất trong bốn tuần. Trong số những người được tư vấn, 86% gia tăng thời gian ngủ trung bình. Một nửa trong số họ gia tăng thời gian ngủ trung bình từ 52-88 phút. Ở nhóm những người không được tư vấn thì không có thay đổi đáng kể.

Các nhà nghiên cứu cũng phân tích nhật kí ăn uống của người tham gia để xem liệu giấc ngủ tăng có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và lượng chất dinh dưỡng mà họ tiêu thụ hay không.

Kết quả phát hiện ra rằng những người tăng thời lượng giấc ngủ lại tiêu thụ ít đường hơn. So với số liệu đầu cuộc nghiên cứu, họ đã tiêu thụ ít hơn trung bình 10gram đường mỗi ngày. Con số này cũng cho thấy những người ngủ lâu hơn cũng tiêu thụ ít chất béo hơn và tổng lượng carbohydrate cũng ít đi.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy không có sự thay đổi đáng kể nào giữa 2 nhóm về trọng lượng, thành phần cơ thể, cholesterol hoặc mức đường huyết. Tuy nhiên, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, bà Wendy Hall, một nhà nghiên cứu thuộc khoa khoa học dinh dưỡng cho biết, có thể vì nghiên cứu chỉ kéo dài 4 tuần nên chưa thể có được kết quả rõ hơn về điều này.

“Khoảng thời gian can thiệp là tương đối ngắn, vì vậy bước tiếp theo cần làm là kiểm tra xem trọng lượng cơ thể và tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể cũng sẽ giảm sau một tháng can thiệp kéo dài, chứ không phải là vài tuần như nghiên cứu này”, bà Hall nói . Tuy nhiên, bà cho biết việc cắt giảm lượng đường tiêu thụ là một phát hiện thú vị và quan trọng.

Ngoài ra, bà Hall cũng lưu ý rằng, đây là nghiên cứu liên quan đến một nhóm trẻ, khỏe mạnh của người lớn. Vậy nên, với những nhóm có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường thì tác động sẽ khác hơn, nhất là khi thời lượng ngủ thiếu là một yếu tố nguy cơ cho những bệnh mãn tính này.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc ngủ đủ giấc có thể dẫn đến thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Nhưng “điều quan trọng là nó cho thấy đây là biện pháp đơn giản, chi phí thấp và dễ dàng thực hiện mà lại có thể thực sự tạo ra sự khác biệt về sức khỏe.

Hầu hết những người tham gia thấy rằng hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ có ánh sáng trong đêm, tốt nhất là để chúng bên ngoài phòng ngủ, sẽ giúp duy trì thời gian ngủ và thức dậy. Tránh tiêu thụ caffein vào cuối ngày cũng là điều hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tiễn trong lối sống hiện tại của họ”, bà Hall nói.

Thế nhưng, nghiên cứu cũng không phủ nhận một điều rằng tăng thời gian ngủ không hẳn là bạn đã ngủ ngon. Theo bà Hall, mặc dù các cuộc tư vấn về cải thiện thời lượng ngủ của các chuyên gia rất có hiệu quả nhưng những người thực hiện lại có giấc ngủ không chất lượng lắm. Bà lý giải, nguyên nhân có thể là do cơ thể cần có thời gian để điều chỉnh cho quen với sự thay đổi này.

Bà Hall cũng cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn nữa để hiểu hơn về mối liên hệ giữa thời lượng ngủ với lượng đường bạn tiêu thụ để xem thời gian ngủ ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường tiêu thụ cũng như chế độ ăn uống mà bạn đang theo.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP