Y học và đời sống

Thời điểm tiêm phòng dại tốt nhất sau khi bị chó cắn

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Bệnh dại do virus lây truyền từ động vật sang người. Do đó, khi bị động vật chó, mèo cắn mà không tiêm vắc-xin phòng dại cho người và điều trị đúng phác đồ thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như chó, mèo. Người mắc bệnh dại là do chó bị bệnh dại cắn hoặc cào... Nước dãi của các chó nhiễm bệnh có nhiều vi rút dại sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào hoặc qua vết thương trầy xước trên da.

Sau khi bị chó dại cắn hay cào, thời gian ủ bệnh ở người có thể từ 2-8 tuần, cũng có khả năng kéo dài đến trên 1 năm. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có hai thể lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

Người bị chó dại cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%; sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Trường hợp cần thiết có thể cắt lọc vết thương nhưng không khâu ngay, chỉ khâu những trường hợp vết cắn đã quá 3 ngày để tránh sự phát tán của vi rút dại.

Sát khuẩn vết thương cũng có tác dụng chống bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút dại xâm nhập vào cơ thể người.

Những trường hợp cần phải tiêm đồng thời cả vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại; có vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục dù vết cắn rất nhẹ; có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, cần rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn iốt, đi tiêm vắc - xin ngay trong những giờ đầu tiên là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản virut dại xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.

Thời điểm tiêm phòng dại tốt nhất

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, việc tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó dại cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tiêm vaccine phòng dại trong vòng 6 giờ được xem là tiêm phòng sớm còn tiêm sau 6 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Đây cũng chính là khoảng thời gian tối thiểu để tiêm phòng dại.

Phác đồ tiêm vaccine phòng dại cho từng bệnh nhân, tiêm dạng huyết thanh kháng dại hay tiêm dạng vaccine phòng dại sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể dựa trên mức độ tổn thương, vị trí của vết thương và tình trạng sức khỏe của người cần tiêm phòng.

Ngoài ra, ngoài thời điểm bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng, liều lượng chích ngừa cũng sẽ có sự khác nhau tùy theo lịch sử chích ngừa trước đó:

Với trường hợp bị chó dại cắn nhưng trước đó chưa từng tiêm vaccine phòng dại: cần tiêm vaccine phòng bệnh ngay sau khi phơi nhiễm để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển bệnh. Cần tiêm 4 mũi tiêm ở cơ vai, mũi đầu tiêm sau khi bị chó dại cắn, các mũi tiếp theo lần lượt tiêm sau mũi thứ nhất 3, 7 và 14 ngày. Ngoài ra cũng nên tiêm thêm một mũi globulin miễn dịch bệnh dại.

Với trường hợp bị chó dại cắn nhưng trước đó đã tiêm vaccine phòng dại thì cần tiêm 2 mũi ở cơ vai. Mũi thứ nhất tiêm ngay sau khi bị chó dại cắn, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất 3 ngày. Riêng với trường hợp này thì không cần phải tiêm globulin miễn dịch bệnh dại.

Riêng đối với các trường hợp phụ nữ đang cho con bú và đang mang thai nếu bị chó dại cắn thì cần hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng vì chỉ bác sĩ mới là người quyết định được lịch tiêm phù hợp.

Một số phản ứng có thể gặp phải sau tiêm cần chú ý phát hiện để đến cơ sở y tế điều trị ngay: Đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau khớp, sốt cao, co giật (hiếm khi xảy ra): cần đặc biệt lưu ý vì có thể dẫn đến ngưng thở, ngưng tim, ảnh hưởng đến não và tử vong,....

Thu Giang (T/H)

BẢN DESKTOP