Gia đình mới

Thời điểm kiểm tra tiểu đường thai kỳ để tránh biến chứng cho mẹ và bé

  • Tác giả : Thúy Nga
Đái tháo đường thai kỳ (Tiểu đường thai kỳ) là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ, ảnh hưởng không nhỏ tới cả mẹ và bé. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai mẹ bầu cần kiểm soát được tình trạng này.

Đái tháo đường thai kỳ (Tiểu đường thai kỳ) là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ, ảnh hưởng không nhỏ tới cả mẹ và bé. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai mẹ bầu cần kiểm soát được tình trạng này, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Tai biến sản khoa nguy hiểm

BS Hồ Thu Thủy, Phó phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp khi mang thai, có nguy cơ gây tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.

- Với cơ thể mẹ: bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh thận chuyển biến xấu, hội chứng tăng huyết áp thai kỳ, quá nhiều nước ối, nhiễm trùng đường tiết niệu...

- Với thai nhi: dị dạng, thai phát triển to quá mức, thai chết lưu trong tử cung, trẻ sinh non, hạ đường huyết, rối loạn hô hấp, vàng da, hạ canxi máu...

Do đó, khi các chị em mang thai cần lưu ý tới bệnh lý này để tránh những ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé.

BS Hồ Thu Thủy cho biết, các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện, có sự liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ở thai phụ với Đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn bình thường nếu:

Béo phì: Ở người béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose, dễ mắc Tiểu đường thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy béo phì trước khi mang thai là yếu tố nguy cơ mắc Tiểu đường thai kỳ.

Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người bị Đái tháo đường thế hệ thứ nhất là một trong những yếu tố nguy cơ cao của Tiểu đường thai kỳ, chiếm 50 - 60% so với nhóm tiền sử gia đình không có người đái tháo đường.

Do đó, khi khám thai, cần hỏi rõ về tiền sử gia đình, nếu có người thân thế hệ 1 mắc Tiểu đường cần tư vấn thai phụ thực hiện sàng lọc Tiểu đường thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên, tránh bỏ sót bệnh.

Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam: Cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4000 gam vừa là hậu quả của Tiểu đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ ở những lần mang thai sau.

Tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với Tiểu đường thai kỳ, đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị Tiểu đường thai kỳ.

Glucose niệu dương tính: Cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với Tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 15% thai phụ có glucose niệu dương tính mà không phải do mắc Tiểu đường thai kỳ.

Phụ nữ lớn tuổi mang thai: Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thai phụ có tuổi nhỏ hơn 25 được coi là ít nguy cơ Tiểu đường thai kỳ, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ Tiểu đường thai kỳ tăng cao hơn.

Người có tiền sử sản khoa bất thường: Thai phụ có tiền sử thai chết lưu không rõ nguyên nhân có nguy cơ cao mắc Tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, yếu tố chủng tộc và người có hội chứng buồng trứng đa nang cũng là nguy cơ dẫn đến Tiểu đường thai kỳ.

Thời điểm kiểm tra tiểu đường thai kỳ để tránh biến chứng cho mẹ và bé ảnh 1

Thời điểm kiểm tra tiểu đường thai kỳ để tránh biến chứng cho mẹ và bé

Cần sàng lọc và kiểm soát chế độ dinh dưỡng

BS Thủy phân tích, tiểu đường thai kì là tình trạng tăng glucose huyết tương chẩn đoán lần đầu tiên trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường type I hoặc Type II trước đó.

Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện khi tiến hành tầm soát cho mọi thai phụ từ tuần thứ 24 - 28 của tuổi thai. Thời điểm này được xem là thời điểm chuẩn, tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa Carbohydrate trong thai kỳ.

Nếu là nhóm nguy cơ cao nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát sớm và nếu nghiệm pháp âm tính sẽ lặp lại khi tuổi thai 24 - 28 tuần. Thực hiện Nghiệm pháp dung nạp 75 gram Glucose - 2 giờ.

Quy trình sàng lọc tiểu đường thai kỳ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được thực hiện như sau:

Sàng lọc ngay trong 3 tháng đầu, lý tưởng nhất là dưới 13 tuần:

• Xét nghiệm HbA1C và glucose máu (Nếu thuộc type có yếu tố nguy cơ tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ được làm nghiệm pháp tăng đường huyết)

• Nếu kết quả này bất thường, chuyển khám chuyên khoa nội tiết hoặc quản lý thai theo quy trình tiểu đường thai kỳ của Bệnh viện

• Nếu kết quả này bình thường, mẹ bầu thực hiện nghiệm pháp tăng đường huyết vào tuần 24 - 28

Sàng lọc ở tuần 24 – 28:

Thông qua nghiệm pháp tăng đường huyết. Lưu ý để làm xét nghiệm ở giai đoạn này, mẹ bầu cần nhịn ăn trước tối thiểu 8 tiếng

- Kiểm tra đường huyết khi mẹ bầu đang đói

- Uống 1 cốc nước đường liều lượng đúng theo quy định, sau đó 1 tiếng xét nghiệm lại

- 2 tiếng sau xét nghiệm lại lần 2 sau uống

Khi đã có đủ kết quả của 3 lần xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết luận mẹ có tiểu đường thai kỳ hay không

• Nếu kết quả này bình thường, mẹ bầu không bị tiểu đường thai kỳ

• Nếu kết quả này bất thường, chuyển khám chuyên khoa nội tiết hoặc quản lý thai theo quy trình tiểu đường thai kỳ của Bệnh viện.

Bác sĩ Thủy nhấn mạnh, với phụ nữ mang thai nói chung và 7 trường hợp có nguy cơ cao, việc theo dõi ngay từ đầu về chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng để kịp thời kiểm soát tình trạng Tiểu đường thai kỳ.

Để không xảy ra hậu quả, mẹ cần tuân thủ các lời khuyên về dinh dưỡng và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.

Để giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, về khía cạnh dinh dưỡng, từ trước khi mang thai, người phụ nữ cần duy trì cân nặng ở mức càng gần lý tưởng càng tốt, khi có thai bà bầu nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học, với thành phần cân đối đúng khuyến nghị, hạn chế đường tinh luyện ngay từ khi phát hiện mang thai và nếu không có yếu tố nguy cơ, thai phụ cần được thực hiện sàng lọc tiểu đường thai kỳ từ tuần 24-28 của thai kì.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP