Dữ liệu y khoa

Thở nauli: Cẩn thận suy tim, đột quỵ

  • Tác giả : Thúy nga - Kiều Anh
(khoahocdoisong.vn) - Nauli cách thở cổ xưa trong yoga đang làm dậy sóng cộng đồng mạng. Nhưng theo các chuyên gia, đây là môn tập khó, tập sai dễ gây tổn thương nội tạng và ảnh hưởng tới thần kinh.

Tập được nhưng khó kiểm soát

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Học viện Yoga Việt Nam cho biết, cách tập nauli bên cạnh phần hình tướng bên ngoài trông kỳ dị, khác thường thì mục đích chính là kỹ năng làm chủ vận động, kiểm soát sức mạnh bên trong. Người tự tập có thể đạt tới mức độ "gần với nauli" nhưng để kiểm soát được rất khó. Do đó cũng không nên lạm dụng tập quá nhiều vượt quá giới hạn chịu đựng, có thể gặp các tác hại khôn lường.

Chị Trịnh Nhật Linh tên huấn luyện là Lynn Harley – huấn luyện viên yoga cho biết, thở nauli thực chất là động tác rút khí trong cơ hoành, tiếp đó là hình thành những chuyển động nhanh của cơ trực tràng bằng nguồn áp suất cao. 

Huấn luận viên CLB Huong-tre hướng dẫn tập thở nauli.

Huấn luận viên CLB Huong-tre hướng dẫn tập thở nauli.

Vì vậy, động tác thở nauli sẽ tác động trực tiếp vào hệ tiêu hóa giúp giảm táo bón, khó tiêu, gia tăng phần chuyển động của đường ruột tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể, giúp trực tràng khỏe hơn. Thậm chí, những người bị bệnh trĩ tập lâu ngày sẽ khỏi. Ngoài ra, động tác thở nauli sẽ tạo áp suất trong lồng ngực, trao đổi oxy trong vùng bụng giúp cho cơ bụng linh hoạt, massage nội tạng, giảm đau bụng, chứng khó tiêu, ợ hơi, lưu thông khí huyết… Nếu người tập tập thở nauli trong thời gian dài sẽ giúp làn da sáng hơn, giảm mỡ bụng, cải thiện vóc dáng cho cơ thể.

Nauli là một kỹ thuật nâng cao của yoga, vì vậy muốn thở nauli đúng thì phải thành thạo phương pháp thở đúng của yoga. Tức là phải kiểm soát và nhận biết được đâu là cơ hoành, đâu là thở bằng bụng, đâu là thở bằng ngực và cách siết cơ của các vùng. Khi chưa thành thạo và kiểm soát được hơi thở sẽ dẫn đến thở sai, làm cơ bụng siết lại tác động rất nhiều đến lục phủ ngũ tạng và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. 

Huấn luận viên Lynn Harley thực hiện động tác uốn cơ hoành.

Huấn luận viên Lynn Harley thực hiện động tác uốn cơ hoành.

Chị Lynn Harley khuyến cáo, có 2 đối tượng không nên tập động tác thở nauli đó là người bị cao huyết áp và người bị bệnh tim mạch. Vì khi luyện tập nauli, người tập phải rất tập trung sử dụng trí não để điều khiển và cảm nhận cơ hoành nên sẽ dẫn đến căng thẳng. Đối với bệnh tim mạch, khi tập động tác thở nauli cần phải rút khí, khi đó tim phải tạo áp suất quá nhiều sẽ không thể chịu được. Người đang mang bầu, người có bệnh về mạch máu, người đã từng bị tai biến… không nên tập. Những người chưa hiểu về kỹ thuật thở bụng, chưa thành thạo phương pháp thở đúng của yoga cũng không nên tự tập thở nauli tại nhà.

Dẫn khí sai có thể tẩu hỏa nhập ma

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phân tích, trong thực tế và trong thể dục thể thao có 2 cách thở: Thở ngực và thở bụng. Các môn thể thao hiện đại chủ trương thở ngực, khi hít vào khí căng lồng ngực. Cách thở này giúp người ta dụng lực cơ bắp mạnh mẽ, nhưng luôn tạo sự căng thẳng thần kinh và cơ bắp, gây chóng mỏi mệt, mất sức...

Các môn thể dục cổ truyền: yoga, võ thuật, aikido, khí công, dưỡng sinh... lại chủ trương thở bụng tức là hít vào phình bụng, thở ra thót bụng tạo nội lực trầm hùng, thần trí ung dung, hơi thở điều hòa. Nếu phân tích về mặt dưỡng sinh sức khỏe, cách thở bụng có ưu việt hơn vì khi ta hít sâu đưa khí xuống bụng, các phế nang ở ngực được căng đầy ở 1/3 đáy phổi mà cách thở ngực thông thường không đưa tới làm tăng thêm dung tích thở. Mặt khác khi phình thóp bụng nâng hạ cơ hoành sẽ tạo mát xa nội bên trong làm cho tạng phụ vận động tránh gây tích mỡ và trệ khí.

Thường có 3 phương pháp thở bụng chính là: Thở 2 thì (hít vào thở ra liên tục không có ngưng lại nén ép giữa 2 thì); Thở 3 thì có 2 cách: hít vào – nén khí – thở ra và hít vào – thở ra – nén khí; Cách thở 4 thì: khí vào – nén khí – thở ra – nén khí.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, các phương pháp thở đều tốt nhưng cần phải có phân tích, lựa chọn cho phù hợp với tình hình sức khỏe, cơ địa, mục đích, khả năng của người tập. Nếu người khỏe mạnh, không có bệnh lý nguy hiểm có thể chọn bất kỳ loại hình tập thở nào, nhưng đối với người có bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc thấp, thiểu năng tuần hoàn, thiếu máu não, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể...thì chỉ nên chọn phương pháp thở 2 thì và thở 3 thì kiểu a (hít vào nén khí thở ra), đảm bảo hiệu quả mà an toàn.

Thở nauli là chuỗi động tác yoga khó, đòi hỏi thời gian tập luyện và độ chuẩn xác. Trong quá trình đảo bụng người ta phải nhịn hơi sâu, khi co cơ mạnh thì những người có bệnh về huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, rối loạn tiền đình...cần phải hạn chế nếu không dễ dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp đột ngột, đột quỵ...

Đối với những người có bệnh cấp tính về dạ dày, đường ruột cũng tuyệt đối không được tập. Đặc biệt khi tập cần tránh đi vào trạng thái hưng phấn quá mức – vô thức xuất hiện các bất thường về khí quan (xuất hiện các hình ảnh lạ), khí cảm (nóng, lạnh...), khí giác... Trong tình huống này nếu người không có định tâm tốt dễ dẫn tới nhận định sai như hoang tưởng, mất sự kiểm soát của thần kinh dẫn tới những ảo tưởng mà dân gian gọi là tẩu hỏa nhập ma.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, khi tập cần phải lắng nghe cơ thể nếu thấy khó thở, tức ngực, buồn nôn...thì dừng lại. Việc tập luyện cần phù hợp với bản thân và tốt nhất cần phải được chuyên gia hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả và an toàn tránh các tai biến đáng tiếc.

 “ Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên tập nauli vào buổi sáng. Vì khi đó dạ dày rỗng, việc rút khí sẽ diễn ra nhẹ nhàng nhất, massage lục phủ ngũ tạng nhanh nhất và nên tập trong khung giờ từ 5h24 phút đến 6h24 phút (khung giờ khí thiêng của đất trời, giao điểm của ngày và đêm). Nếu muốn tập vào buổi tối hoặc sau bữa ăn thì chỉ nên ăn 1/3 dạ dày, khi ăn quá no sẽ bị phản tác dụng dẫn đến trào ngược dạ dày. Trước khi bắt đầu tập nauli người tập cần phải tìm hiểu kỹ phương pháp cũng như kỹ thuật của động tác thở Nauli” - huấn luyện là Lynn Harley khuyên.

Thúy nga - Kiều Anh

BẢN DESKTOP