Y học và đời sống

Thổ mộc hương chữa ho, đau bụng

Thổ mộc hương vị cay, đắng, tính ôn vào 3 kinh can, tỳ, phế có tác dụng giảm đau, kiện tỳ vị…

Thổ mộc hương là cây thảo sống lâu năm, họ cúc, cao 0,5 – 1,5m có thân rễ to, dạng hành. Thân to khoẻ, có lông mềm và phân nhánh chỉ ở phần trên mà thôi. Các lá gốc dài tới hơn 40cm, trên thân có lá mọc so le nhỏ hơn, dài 10 – 30cm, phía cuống có hai tai ôm lấy thân, mép có răng cưa không đều.

Cây thổ mộc hương

Hoa tự hình đầu lớn, có một vòng các hoa hình lưỡi vàng rất hẹp và rất nhiều hoa hình ống. Quả bế, hình trụ có 4 góc; màu nâu nâu, phía trên có một mào lông đơn, vân dọc. Ra hoa tháng 5 – 7, kết quả tháng 7 – 9. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ cây được trồng 2 -3 năm. Rễ đào về cắt bỏ mấu thân, rửa sạch đất cát phơi hay sấy khô.

Theo Đông y, thổ mộc hương vị cay đắng, tính ấm; có tác dụng kiện tỳ hoà vị, chữa được đau bụng, khó tiêu. Còn có tác dụng hành khí, an thần, tiêu uất, giải độc, lợi tiểu nhẹ nên dùng được trong cảm lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, tiểu tiện không lợi, làm tan sưng và long đờm trong bệnh viêm phế quản, ho cơn, thiếu máu, ngực bụng quặn đau, ngực sườn bầm tím, đau hai bên sườn, ỉa chảy, kiết lỵ, thai động không yên.

Một hương được dùng cả trong Tây y để chữa chứng kém tiêu hóa và giảm ho. Nghiên cứu hóa dược cho thấy, trong mộc hương có chứa 1 – 2,8 tinh dầu, 6% chất nhựa sausirin (ancoloit) và chưng 18% chất inulin. Chất inulin có khi lên tới 40% vào mùa thu nên được dùng điều chế các chất terpenic (hỗn hợp anantol) hay long não thổ mộc hương để chữa chứng tiêu hóa và làm thuốc chữa ho.

Liều dùng từ 3 – 5g, mài với nước thuốc, sắc làm thang hoặc dùng dưới dạng bột. Kiêng kỵ: người khí huyết đều hư yếu, táo nhiệt không nên dùng.

GS.TSKH Hoàng Tuấn

(nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an)

BẢN DESKTOP