Khám phá

Thịt biến chất nếu để quá lâu trong tủ lạnh

Thịt tích trữ quá lâu trong tủ lạnh sẽ bị oxy hóa, mất hầu hết chất dinh dưỡng và trở thành độc tố đối với cơ thể.

Thịt tích trữ ăn dần vài tháng

Thông tin trên một số trang mạng về việc một gia đình ở Trung Quốc bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa, buồn nôn phải nhập viện vì ăn thịt lợn để đông lạnh quá lâu khiến không ít người giật mình. Bởi thói quen tích trữ thịt lợn trong ngăn đá tủ lạnh dùng dần không phải là thói quen của ít gia đình hiện nay. Theo một khảo sát nhỏ của KH&ĐS thực hiện với 10 gia đình thì có đến 7 gia đình tích trữ thịt lợn trong ngăn đá.

Chị Cao Phương Anh (chung cư Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, để có thịt lợn sạch ăn dần, cứ khoảng 2-3 tháng chị lại đặt hàng người quen ở quê bán cho một con lợn nuôi bằng cám gạo, bỗng rượu. Chị xếp đầy ngăn đá tủ lạnh ăn dần, đến khi nào hết lại đặt mua tiếp.

Thói quen tích trữ thịt lợn trong ngăn đá tủ lạnh ăn dần có lợi hay hại? Thịt được bảo quản bằng cấp đông có phải là thịt tươi, sạch, ngon, đảm bảo an toàn hay không? TS Nguyễn Quế Côi, nguyên cán bộ Viện Chăn nuôi cho biết, phương pháp bảo quản ở nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi.

Xử lý thịt lạnh cũng như bảo quản ở nhiệt độ thấp là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự hư hỏng của thịt và duy trì đầy đủ các tính chất tự nhiên ban đầu của thịt. Tuy nhiên, không có nghĩa là thực phẩm cứ để trong tủ lạnh sẽ an toàn 100%

“Các loại thịt tươi sống là những loại có nguy cơ cao bị hỏng nhanh hàng loạt và có thể gây ngộ độc thức ăn, do đó cần chú trọng đặc biệt. Thịt sau khi giết mổ nên đưa vào cấp đông ngay.

Với hệ thống công nghiệp có tiệt trùng, thịt có thể để được lâu hơn, nhưng với cách làm thủ công hiện nay ở các gia đình thì thời gian tối đa là 1 tháng. Sử dụng thịt ngon nhất trong vòng 1 tuần. Để quá lâu, thịt sẽ không còn dinh dưỡng mà tạo thành độc chất với cơ thể”, TS Nguyễn Quế Côi cho biết.

Phải cấp đông ngay sau khi giết mổ

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Quế Côi, ngay sau khi chết, trong mô cơ của động vật xảy ra những biến đổi, tùy thuộc vào điều kiện môi trường, trong một thời gian nhất định, cuối cùng sẽ dẫn đến hiện tượng tự phân và sau đó là hư hỏng thối rữa. Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, cấp đông ngay thì tốt nhất không nên cấp đông nữa. Bởi thịt sau khi giết mổ sẽ bị phân hủy dần dần.

Đầu tiên là cơ thịt co lại, mất tính đàn hồi, chắc, màu đỏ, có mùi máu. sản phẩm chế biến ở trạng thái này có mùi vị kém, khó tiêu hóa, không sử dụng trong chế biến đồ hộp. Sau đó là giai đoạn tự phân, thịt mềm, có hương thơm, dễ tiêu hóa, còn gọi là hiện tượng chín của thịt.

Giai đoạn phân hủy thối rữa là giai đoạn cuối thịt bị ướt, nhầy, mềm nhũn, có màu thẫm dần và chuyển sang màu xám hay xanh, có mùi khó chịu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng.

Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông – rã đông đều giảm 20%. Người thường xuyên ăn loại thịt này về lâu dài dễ sinh bệnh.

“Sử dụng thịt lợn sạch, an toàn là tốt, nhưng đừng biến thịt sạch thành “thịt bẩn” bằng cách tích trữ quá lâu, không đúng cách. Trong vòng 24 giờ, nếu để ngoài nhiệt độ thường, thịt đã hỏng và không nên sử dụng. Khi bị ôi thiu sẽ là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật có hại sinh sôi nảy nở”, TS Nguyễn Quế Côi cho biết.

“Khi cấp đông phải cho thịt vào các hộp/túi đóng kín để vi khuẩn không phát tán ra ngoài tủ lạnh. Nếu thịt bị biến màu, có mùi lạ… thì tốt nhất nên bỏ đi. Nếu có điều kiện thì tốt nhất là ăn thịt tươi hàng ngày”, TS Nguyễn Quế Côi.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP