Bình luận

Thiếu tiền để phòng chống lũ quét?!

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa là lũ quét hoành hành, lấy đi tài sản, sinh mệnh của người dân. Vì sao lại không thể phòng chống hay cảnh báo, xác định chính xác điểm xảy ra lũ quét? Phải chăng, đó là hệ quả tất yếu của phát triển kinh tế mà không kết hợp với chiến lược phòng chống thiên tai?

Cảnh báo là vô nghĩa

Những ngày này, lũ quét kinh hoàng đang tàn phá sự sống của người dân vùng Tây Bắc. Sự kinh hoàng này kéo dài năm này qua năm khác, phải chăng chúng ta đang bó tay?

Hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc là vấn đề đã có từ lâu. Tôi được biết cách đây khá lâu Bộ KH&CN cũng đã chủ trì đề tài nghiên cứu về lũ quét như thế nào là lũ quét, nguyên nhân sinh ra lũ quét… Từ thời tôi còn đang làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Nhưng sau đó, tác giả nghiên cứu đề tài mất. Đó là công trình nghiên cứu khá công phu về lũ quét, nhưng dở dang. Từ đó đến nay hình như không ai làm nữa.

Ở góc độ khoa học, phải lý giải được vì đâu mà xảy ra lũ quét chứ ạ?

Đúng là thế, vì sao chỉ ở những tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang… mới có lũ quét? Cách đây mấy chục năm người ta đã nghiên cứu rồi. Nhưng cho đến giờ, giải pháp vẫn chỉ là khuyến cáo người dân. Việc khuyến cáo này theo tôi là vô ích vì người ta sống ở đấy, người ta không có lựa chọn nào khác. Một cơn mưa tầm tã xong, bỗng nhiên núi đổ sụp xuống, thì đề phòng kiểu gì?

Chắc hẳn phải có giải pháp kỹ thuật nào chứ thưa ông?

Người ta phải lập bản đồ lũ quét, đi đến từng vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét để cảnh báo, hướng dẫn người dân cách phòng tránh. Về các giải pháp kỹ thuật cũng có, nhưng phải xác định đúng điểm xảy ra lũ quét để làm, và kinh phí cũng khá lớn. Cục Phòng chống thiên tai có đánh dấu các điểm xảy ra sụt lở nhưng đến giờ vẫn không có giải pháp gì cho người dân.

Vấn đề khó nhất trong phòng tránh sụt lở là gì?

Làm thế nào để cảnh báo kịp thời người dân? Họ sinh sống ở đấy, không thể bảo họ đi nơi khác mà sống. Đất đâu mà bố trí chỗ ở cho họ. Chúng ta đang không chống được sạt lở. Do đó mà người dân vẫn phải chết nếu không may mắn. Đáng lẽ phải phòng ngừa, cảnh báo người dân ngay trước khi xảy ra thảm họa để họ di chuyển, đồng thời nghiên cứu giải pháp phòng chống. Nhưng có lẽ, chính Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cũng bị động.

Thế là chỉ đến khi thảm họa xảy ra rồi mới hỗ trợ?

Đúng thế, lúc đó mới huy động lực lượng tìm kiếm, trợ giúp, động viên tinh thần người dân. Đến nay vẫn không có giải pháp hữu hiệu nào cả.

Phát triển đánh đổi

Nhìn ở góc độ rộng thì nguyên nhân nào gây ra sạt lở thưa ông?

Quy hoạch phát triển kinh tế không có sự kết hợp với chiến lược phòng chống thiên tai là nguyên nhân chính gây ra sạt lở. Chúng ta đang đánh đổi để phát triển mà không lường được hậu quả.

Ông có thể ví dụ?

Ví dụ như phát triển thủy điện nhỏ, chúng ta có hàng nghìn cái. Thủy điện nhỏ là nguyên nhân gây ra lũ chồng lũ. Những vùng xảy ra sạt lở nhiều nhất là vùng có nhiều thủy điện nhỏ nhất. Thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ, vận hành phân tán, xả lũ không theo quy trình nào. Ví dụ thủy điện A khi xả lũ thì tác động thế nào, lũ dồn về đâu, không ai nắm được. Do đó khi có lũ, không biết do thủy điện nào xả, bao nhiêu, đi theo đường nào. Lũ xả đột ngột không báo cho dân, nước tràn về không biết từ đâu.

Nhưng nếu chỉ có thế thì có xảy ra lũ quét kinh hoàng đến thế?

Rồi việc khai thác mỏ, đào bới đất làm sạt lở. Những vùng sạt lở nhiều là những vùng khai thác mỏ nhiều. Những đống đất này thành nơi trữ nước. Đến khi sức nó không chịu được mới vỡ ra. Rồi chuyện phá rừng, không còn thảm thực vật chống lũ nữa bởi nhu cầu khai thác gỗ của người dân. Họ đào bới rừng trồng rau màu, phá vỡ thảm thực vật. Rồi chuyện quy hoạch dân cư… Những điều này làm cho lũ quét ngày càng nặng nề.

Có thể nói thảm họ lũ quét này một phần do con người?

Chính con người tạo ra thảm họa cho chính mình. Họ phát triển kinh tế mà quên đi việc phải bảo vệ thiên nhiên. Không có quy hoạch bài bản, không có chiến lược phòng chống thiên tai dài hơi… Lũ quét vì thế sẽ ngày càng nặng nề hơn nữa, thiệt hại cũng ngày càng lớn hơn nữa.

Thiếu tiền chống sạt lở

Chống lũ quét, sạt lở, chúng ta đang thiếu gì?

Ở góc độ khoa học thì thiếu tiền để làm thực nghiệm. Nhưng chính Bộ KH&CN cũng khẳng định rằng ngân sách chỉ đủ để nghiên cứu chứ không có tiền để triển khai. Để làm các công trình chống sạt lở phải có sự kết hợp giữa nhà nước và nhân dân. Còn như bây giờ, nhiều bộ ngành có trách nhiệm liên quan, nhưng ai cũng lúng túng.

Bản thân người dân, liệu có tự phòng chống?

Ở những vùng lũ quét, hầu như người dân ở đây xây nhà cửa bằng cách vạt chân đồi, chân núi tạo mặt bằng để làm nhà chứ họ không biết trên thượng nguồn thế nào. Chính quyền địa phương nơi đó cũng không đủ năng lực, thông tin để cảnh báo cho người dân của mình. Người dân rất bị động trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Cái cần thiết là giải pháp kỹ thuật mang tính tổng thể.

Các giải pháp kỹ thuật có thể làm là gì ạ?

Là lập bản đồ, lâp trạm cảnh báo lũ quét, đo lũ, cảnh báo người dân… Hiện nay đều không có. Trong những ngày mưa phải có cán bộ phân công nhau theo dõi lũ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Còn để đến khi nào xảy ra chết người rồi mới khắc phục thì không có nhiều ý nghĩa. Quan trọng là các hoạt động phòng chống. Để làm được thì phải có tiền để làm hàng chục trạm rada, hàng nghịn trạm đo mưa. Lũ quét xảy ra rất nhanh nên việc cảnh báo để phòng tránh là quan trọng nhất.

Nếu có giải pháp và chỉ cần tiền đầu tư, tôi nghĩ Nhà nước cũng không ngại gì để làm?

Vấn đề là nó thuộc rất nhiều bộ ngành quản lý, thành ra khó. Bộ KH&CN, TN&MT, NN&PTNT… Mỗi ngành lại có những chức năng, nhiệm vụ riêng, nên không đi vào tổng thể. Việc đầu tư như thế nào để chống được lũ quét, kết hợp các bộ ngành ra sao, phải là sự chung tay của tất cả các cấp, ngành.

Ý ông là việc đầu tư chống lũ quét đang lẻ tẻ?

Rất cần một giải pháp tổng thể cho toàn vùng thường bị lũ quét. Vì nếu việc ứng phó chỉ diễn ra riêng lẻ sẽ rơi vào tình trạng các tỉnh đều có những dự án riêng, các tỉnh không chia sẻ thông tin với nhau từ đó việc phòng chống lũ quét và trượt lở không đạt hiệu quả.

Có người cho rằng cần phải tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” chống lũ quét, ông nghĩ sao?

Có lẽ, Chính phủ nên tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” giống như “Hội nghị Diên Hồng” bàn những quyết sách cho Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua. Hội nghị này quy tụ tất cả những nhà quản lí liên quan đến lĩnh vực phòng chống thiên tai lũ lụt của từng tỉnh trong vùng núi phía Bắc kết hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học về quản lí rủi ro thiên tai cùng xem xét đưa ra những quyết sách để giải quyết vấn đề lũ lụt. Từ đó kêu gọi các tổ chức nước ngoài đầu tư vào các hệ thống dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét và trượt lở đất bởi chi phí đầu tư rất lớn.

Xin cảm ơn ông!

Tính đến cuối chiều ngày 25/06, số người chết do mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc tăng lên 14 người (Hà Giang 3 người, Lai Châu 11 người). Thiệt hại bằng tiền hiện đã lên trên 110 tỷ đồng, riêng Lai Châu thiệt hại gần 90 tỷ. Tháng 8/2017, một trận lũ quét đã khiến 34 người chết và mất tích tại tỉnh Sơn La và Yên Bái. Theo Báo cáo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai năm 2016, năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và trượt lở đất, 1.242 nhà bị đổ, sập.

Tô Hội (thực hiện)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP