Dữ liệu y khoa

Thiếu nữ Hà Nội 15 tuổi bị vi khuẩn “ăn” não, 14 người bị cách ly theo

Cô gái trẻ bị vi khuẩn ăn não, phải nằm phòng cách ly đặc biệt. 14 người từng tiếp xúc cũng được lập danh sách, dùng kháng sinh dự phòng để theo dõi.

Nữ bệnh nhân 15 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ cấp cứu ngày 13/4 trong tình trạng rất nặng, hôn mê, phải đặt nội khí quản, thở máy, xuất hiện nốt xuất huyết hoại tử. Trước đó bệnh nhân chỉ sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ.

Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả khẳng định bị vi khuẩn “ăn” não, viêm não mô cầu.

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV cho biết, bệnh nhân được điều trị cách ly tại khoa Cấp cứu. Sau 4 ngày nằm viện, tình trạng của bệnh nhân đã khá hơn, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thời gian dài nữa.

Bệnh nhân xuất hiện những vết xuất huyết hình sao đặc trưng của viêm não mô cầu.

Ngay sau khi hay tin, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lập danh sách, sử dụng kháng sinh dự phòng theo dõi sức khỏe 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B 0,5% hoạt tính tại nơi ở, nơi làm việc của người bệnh; tư vấn mở cửa thông thoáng khí; giặt, vệ sinh chăn màn, vật dụng cá nhân…

Ngoài trường hợp nói trên, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cũng đang điều trị cho một bé gái 14 tháng tuổi (Đông Anh, Hà Nội), nghi mắc viêm não mô cầu. Hiện trẻ vẫn tỉnh táo, nằm phòng cách ly.

Dù chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng nhưng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã xử lý môi trường tại gia đình bệnh nhi, lập danh sách 28 người, trong đó có 2 trẻ nhỏ để theo dõi, uống kháng sinh dự phòng.

Viêm não mô cầu xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng thường tăng cao vào mùa xuân. Trung bình mỗi năm tại Hà Nội chỉ ghi nhận 5-7 ca.

Có thể tử vong trong 24 giờ

Khác với viêm não thông thường do virus gây ra, viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningtidis gây nên.

Vi khuẩn gây bệnh trú ngụ trong hầu họng với 6 type cơ bản là A, B, C, W135, X, Y. Tại Việt Nam hay gặp nhất là type A, B.

Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có mầm bệnh.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như ly, bát, điện thoại…

Đây là căn bệnh diễn tiến nhanh, với người khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi có biểu hiện bệnh.

Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.

Hiện nay, chích vắcxin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Có 2 loại vắcxin phòng ngừa viêm não mô cầu là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Người lớn cũng có thể tiêm phòng.

Theo Thúy Hạnh (Vietnamnet)

BẢN DESKTOP