KINH TẾ

Thiếu nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Nhu cầu khẩu trang y tế tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng đầu tư máy móc dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, các doanh nghiệp lại đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Khó đáp ứng điều kiện

Trước nhu cầu tăng đột biến về khẩu trang y tế trong thời gian dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ồ ạt đầu tư máy móc để sản xuất gia công khẩu trang y tế. Theo đó, giá thành máy móc dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế cũng tăng lên gấp 3 - 4 lần so với thời điểm trước dịch, nguyên liệu sản xuất trở nên khan hiếm.

Thông tin từ giám đốc một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế cho biết, giá thành nhập khẩu máy móc dây chuyền sản xuất khẩu trang, từ máy dập quai, máy ép… tăng lên khoảng 3 – 4 tỷ đồng. Cùng đó, giá nguyên liệu sản xuất cũng tăng 4-5 lần với mặt hàng vải không dệt và màng lọc tăng 20 lần. 

Tuy giá thành đầu vào cao và khó nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư thêm hàng chục dây chuyền thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu, tăng năng lực sản xuất mỗi ngày lên 7 triệu chiếc khẩu trang y tế, 1 triệu chiếc khẩu trang N95.

Trên thực tế, các loại khẩu trang y tế bán trên thị trường vẫn chưa được kiểm duyệt chặt chẽ về mặt chất lượng, vẫn còn tồn tại nhiều loại khẩu trang y tế trôi nổi, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh và không có khả năng kháng khuẩn. Nhưng vì nhu cầu tiêu thụ trong mùa dịch vẫn quá lớn, hàng loạt các nhà máy, xưởng sản xuất khẩu trang hoạt động liên tục 24/7, không kịp cung cấp cho thị trường.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng vận hành, khi tình hình dịch bệnh trong nước được đưa vào tầm kiểm soát tốt, thị trường khẩu trang trong nước dần bớt “nóng”, các doanh nghiệp tập trung chuyển hướng xuất khẩu khẩu trang y tế sang thị trường nước ngoài. Hiện nay, các thị trường như EU, Brazil, Trung Đông, Châu Phi và châu Mỹ vẫn có nhu cầu nhập số lượng lớn khẩu trang. Đặc biệt là Tây Ban Nha và Hà Lan là hai nước đang thiếu khẩu trang y tế trầm trọng.

Việc xuất khẩu khẩu trang y tế buộc phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe theo Chỉ thị về thiết bị y tế. Đối với thị trường EU, điều kiện và yêu cầu tiêu chuẩn của khẩu trang y tế chặt chẽ và khó hơn nhiều. Doanh nghiệp muốn xuất sang thị trường EU phải có Chứng nhận quy trình ISO 13485:2016 nếu là khẩu trang y tế thông thường, không dùng trong bệnh viện. Một số chủng loại Khẩu trang đặc biệt loại FFP2 hoặc FFP3 (sử dụng trong cơ sở y tế) phải có chứng chỉ CE hoặc FDA. Cụ thể, doanh nghiệp cần thử nghiệm theo tiêu chuẩn EN 14683 hoặc EN 149, có các typ I; IR; II; IIR với mức độ diệt khuẩn tương đương 95-99% (N95).

Chính vì vậy, dù cả lượng cầu và cung khẩu trang vẫn tăng không ngừng, nhưng số doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu khẩu trang y tế vẫn chiếm số ít. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, vốn chỉ tập trung vào số lượng, chưa kịp đáp ứng chất lượng... đang mất dần các đơn hàng.

Đối mặt nguy cơ khan hiếm đầu vào

Hiện, mặt hàng vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế ở Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài, trong đó 70% nguyên liệu sản xuất khẩu trang được nhập từ Trung Quốc. Nhấn mạnh là, đến nay, hiện Bộ Y tế vẫn từ chối trả lời việc vì sao chưa thể đẩy nhanh hoạt động mua dự trữ vải không dệt kháng khuẩn. Mặc dù mặt hàng vải không dệt để sản xuất bộ trang phục phòng, chống dịch, có mã HS là 56.03 được đưa vào Danh mục hàng miễn thuế nhập khẩu, phòng chống dịch Covid- 19.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã phát hiện ổ dịch Covid-19 mới tại thành phố Bắc Kinh. Theo Ủy ban Y tế sức khỏe quốc gia Trung Quốc, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại ở Trung Quốc là rất cao. Do đó, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất khẩu trang y tế, khi mà lượng vải không dệt có kháng khuẩn được sản xuất trong nước không thể đáp ứng đủ. Đến ngay cả Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn mặt hàng này cũng đang khan hiếm khẩu trang y tế và đặc biệt thiếu nguyên liệu vải không dệt có kháng khuẩn trên 95%, nguyên liệu để làm lớp màng vi lọc.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thị trường đang có hiện tượng thu gom nguyên liệu sản xuất. Không ít đơn vị "lách" theo hướng thuê các nhà xưởng sản xuất gia công vải không dệt dùng để may các loại khẩu trang y tế nhưng không rõ nguồn gốc và đảm bảo tiêu chuẩn.

Vị lãnh đạo trên cũng cho biết, vải không dệt thời tại điểm hiện nay là khoảng 400 triệu đồng/tấn và giá vẫn đang có chiều hướng tăng tiếp. Trong khi Nhà nước mua khẩu trang dự trữ vẫn căn cứ vào giá cũ với mức quá thấp, ít hơn 2 - 3 lần so với giá thành sản xuất. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi thị trường đòi hỏi khẩu trang y tế kháng khuẩn tốt với giá “mềm”. Có chăng, chỉ tạo cơ hội cho những xưởng nhỏ sản xuất “chui” khẩu trang kém chất lượng.

Số lượng hàng chục triệu chiếc khẩu trang y tế không đảm bảo bị tịch thu thời gian qua cho thấy cần có quy định siết chặt về chất lượng với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Việc này giúp tránh mất uy tín quốc gia, như trường hợp hàng loạt đơn hàng khẩu trang của Trung Quốc bị châu Âu trả lại. 

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP