Trong nước

Thiếu điện nghiêm trọng, vì sao EVN chưa mua điện gió, điện mặt trời?

  • Tác giả : Hải Ninh
Trước tình trạng thiếu điện đang cấp bách, dư luận đặt câu hỏi vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa ký hợp đồng mua điện gió, điện mặt trời của 37 doanh nghiệp trong nước, dù phải mua điện từ nước ngoài?

Trao đổi với Khoa học và Đời sống, GS.TSKH Trần Đình Long - nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam - cho rằng, nếu các bên chưa đàm phán được với nhau, cơ quan điều tiết điện lực có thể đứng ra làm trung gian, xử lý vấn đề.

GS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

GS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

Thiếu điện nghiêm trọng

Tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, nhưng vì sao việc cung ứng điện thiếu cục bộ, thưa ông?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện có rất nhiều. Thứ nhất, do gần đây, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt diện rộng, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, nhu cầu sử dụng điện trên cả nước tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng. Ngày 19/5, mức tiêu thụ điện đạt kỷ lục 924 triệu kWh, công suất cực đại đạt 44,6GW, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, đợt khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu, thiếu nước kéo dài, làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện.

Theo thông tin tôi biết, thời điểm này, 18/47 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ xuống “mực nước chết”; 20/47 hồ thủy điện có dung tích còn lại dưới 20%. Đến ngày 21/5, sản lượng điện còn lại trong các hồ chứa khoảng 29 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Cùng đó, cung ứng than, nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện cũng gặp khó khăn. Việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm.

Những nguyên nhân trên dẫn đến sản lượng điện ít hơn, trong khi nhu cầu sử dụng cao, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lớn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chiều 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giải pháp trước mắt, trong đó có việc tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với những dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với những dự án đã hoàn thành theo quy định.

Sao chưa mua điện gió, điện mặt trời trong nước?

Một vấn đề bị cho là nghịch lý: EVN đang đàm phán tăng nhập điện từ Trung Quốc, Lào, trong khi đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện từ các dự án điện chuyển tiếp với mức giá tạm bằng 50% khung giá, nhưng mới chỉ đóng điện thêm 85MW từ một dự án điện mặt trời chuyển tiếp. Những vướng mắc này do đâu?

Theo tôi, mỗi một loại nguồn điện đều có đặc trưng của nó. Muốn một hệ thống vận hành ổn định, cơ cấu giữa các nguồn điện phải có tỷ lệ hợp lý. Giá chênh lệch vẫn phải chấp nhận để làm thế nào hệ thống vận hành ổn định.

Từ việc thiếu điện như hiện nay cũng phần nào nhìn nhận vai trò của năng lượng tái tạo. Thời gian qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo nên nguồn điện tái tạo phong phú. Tuy nhiên, nhà đầu tư điện năng lượng tái tạo với bên mua là EVN chưa thống nhất thỏa thuận được với nhau.

Điện gió. - Ảnh minh họa.

Điện gió. - Ảnh minh họa.

Bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao, trong khi EVN chỉ có thể mua ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến có khoảng cách lớn giữa yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện. Do đó, cần phải có giải pháp để lợi ích hài hòa. Bên chủ đầu tư cũng có lợi nhuận hợp lý khi bỏ ra số tiền lớn để đầu tư, trong khi EVN không phải mua với giá quá cao, tránh gây ảnh hưởng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư xây dựng nguồn điện gió, điện mặt trời cần ký hợp đồng với bên mua trước quyết định đầu tư. Tính toán được lỗ lãi rồi bỏ tiền đầu tư sẽ không gặp rủi ro về sau. Làm không đúng quy trình dễ dẫn đến những rắc rối. Cơ chế giá và chính sách đang vướng, cần sớm tháo gỡ.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa là việc cung ứng điện không theo quy định thị trường, EVN độc quyền mua điện, không tuân theo nguyên tắc của thị trường. Trong khi đó, bên bán bị thị trường chi phối ở đầu vào, nếu bán lỗ sẽ phá sản. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Tôi nghĩ việc đàm phán mua bán điện giữa EVN và các đơn vị có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố ở cả 2 phía. Người ta gọi là “thuận mua, vừa bán”.

Nếu chưa đàm phán được, có lẽ do lợi ích gì đó chưa khớp nhau giữa 2 bên. Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, chúng ta còn có cơ quan điều tiết điện lực. Họ có thể đứng ra làm trung gian, xử lý vấn đề này trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa “người mua, kẻ bán”. Khi đó, việc đàm phán có thể thuận lợi hơn.

EVN mới đây đề nghị cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho hết tháng 5. Việc này có bị xem là đẩy khó cho người khác để giải quyết việc của mình, thưa ông?

Cần phải cân đối theo vĩ mô giữa lợi ích của phát điện và lợi ích của sản xuất nông nghiệp. Phải làm sao để tìm được lời giải hợp lý nhất. Trong thời điểm căng thẳng về điện, có thể giảm bớt công suất của các nhà máy. Khi giai đoạn căng thẳng về điện qua đi, lại phục hồi công suất để sản xuất đạm phục vụ nông nghiệp.

15 dự án điện gió, điện mặt trời có giá tạm thời

Đến ngày 19/5, trong số 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư đã gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời. Đó là 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển với tổng công suất khoảng 1.200 MW.

Hiện, 6 nhà máy được chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương tuần tới. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, 85 nhà máy điện tái tạo thuộc danh sách chuyển tiếp chưa thể vận hành thương mại.

Tiết kiệm điện là rất cần thiết

Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, bên cạnh việc bổ sung nguồn, giải pháp quan trọng cần phải tiết kiệm điện?

Việc tiết kiệm điện rất cần thiết, lại bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt trong hoàn cảnh có nguy cơ thiếu điện cao do thời tiết bất lợi hiện nay. Do đó, cần cấp bách triển khai những giải pháp tiết kiệm điện một cách hiệu quả.

Một trong số đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn, chú trọng hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại…

Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, chuyển đổi, thay thế công nghệ sản xuất và thiết bị điện, điện tử lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sang công nghệ, thiết bị mới, sử dụng ít điện, năng lượng.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư, hướng dẫn trực tiếp cho người dân về giải pháp, cách thức tiết kiệm điện… cũng là hướng cần lưu ý.

Xin cảm ơn GS.TSKH Trần Đình Long!

Không đồng tình với giá của EVN

Ngày 26/4, EVN gửi văn bản cho EPTC xem xét mức giá tạm thời ≤ 50% giá trần khung giá phát điện của Quyết định 21. Theo đó, giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh.

EVN yêu cầu EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất mức giá tạm thời cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức, không thực hiện hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không đồng tình mức giá EVN đưa ra. Họ dẫn lý do, nếu một dự án điện gió trên bờ quy mô công suất 50 MW, chi phí đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó 70% vốn vay kèm lãi suất, sản lượng trung bình ghi nhận xấp xỉ 140 GWh, tương đương hệ số công suất 32%. Nếu áp dụng giá tạm đề xuất bằng tối đa 50% giá trần, doanh thu chưa đạt tới 112 tỷ, không đủ chỉ trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp.

Hải Ninh

BẢN DESKTOP